Việt Nam bước vào kỷ nguyên kiểm toán công số hóa

Trong bối cảnh kỷ nguyên chuyển đổi số sâu rộng, vai trò của kiểm toán công đang trải qua sự chuyển mình căn bản từ một công cụ kiểm tra tuân thủ trở thành một trụ cột chiến lược để kiến tạo một nền tài chính công minh bạch, hiệu quả và bền vững.

Tinh thần đổi mới này được khơi dậy mạnh mẽ tại hội thảo cấp cao "Chia sẻ kinh nghiệm & thực tiễn Kiểm toán Công: Ứng dụng công nghệ trong ngành Kiểm toán" do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) phối hợp cùng Kiểm toán nhà nước Việt Nam tổ chức sáng 22/5 tại Hà Nội.

Nhấn mạnh tại hội thảo, ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định nếu tận dụng tốt thời cơ, Việt Nam hoàn toàn có thể “đi tắt đón đầu”, xây dựng một nền kiểm toán hiện đại, minh bạch, góp phần vào sự phát triển và quản trị quốc gia. Thậm chí, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu ở khu vực về ứng dụng công nghệ trong kiểm toán công nếu có chiến lược đúng đắn và hành động kịp thời.

“Chuyển đổi số không chỉ là việc trang bị máy móc hay phần mềm, mà là sự thay đổi tư duy, thay đổi cách làm. Kiểm toán viên cần nhận ra rằng công nghệ không phải là thách thức mà chính là cơ hội để chúng ta thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.”

Ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước. Ảnh: ACCA Việt Nam

Ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước. Ảnh: ACCA Việt Nam

“Chúng ta có đủ lý do để tin tưởng và lạc quan. Việt Nam không đơn độc trên hành trình này. Với sự đồng lòng của đội ngũ kiểm toán viên, sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo ngành và sự hỗ trợ từ cộng đồng công nghệ trong và ngoài nước, tôi tin tưởng Kiểm toán nhà nước Việt Nam sẽ tự tin bước lên con tàu chuyển đổi số, hướng đến một nền kiểm toán hiệu quả, minh bạch và hiện đại hơn bao giờ hết,” ông Dũng nói thêm.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh công nghệ sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn vai trò con người, vai trò của kiểm toán viên vẫn là nhân tố quyết định "Công nghệ là công cụ để chúng ta làm việc thông minh hơn, chứ không phải để loại bỏ con người khỏi quy trình. Vì vậy, kiểm toán viên cần học hỏi kỹ năng mới, sẵn sàng thích ứng với những phương pháp kiểm toán hiện đại, đồng thời giữ vững giá trị cốt lõi của nghề nghiệp".

Chứng minh những chuyển động này không chỉ là lý thuyết, ông Mike Suffield, Giám đốc chính sách và nghiên cứu chuyên sâu của ACCA toàn cầu, đã dẫn chứng nhiều mô hình thành công như tại Malaysia, cơ quan kiểm toán sử dụng hệ thống phân tích ngân sách được tích hợp AI, giúp rà soát toàn bộ các khoản chi của 15 bộ ngành, điều không thể thực hiện nổi với phương pháp truyền thống.

Tuy nhiên theo ông Suffield, năng lực công nghệ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ.

"Kiểm toán viên số cần hội tụ cả ba năng lực: hiểu biết sâu về quy trình tài chính công, thành thạo công nghệ và giữ vững chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Vì bản chất của kiểm toán là bảo vệ niềm tin vào tính minh bạch của nhà nước, vào hiệu quả sử dụng nguồn lực công và vào tính công bằng xã hội. Khi các kiểm toán viên có thể kết hợp giữa công cụ dữ liệu tiên tiến và sự nhạy bén nghề nghiệp, họ không chỉ phát hiện sai phạm mà còn đưa ra những kiến nghị cải cách đầy giá trị."

Chia sẻ góc nhìn từ phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương cảnh báo về khoảng cách ngày càng lớn giữa tốc độ phát triển của công nghệ số và năng lực tiếp nhận của khu vực công.

"Hàng tỷ giao dịch tài chính diễn ra mỗi ngày qua các hệ thống ERP, nền tảng thanh toán điện tử, ngân sách số, tạo nên khối lượng dữ liệu khổng lồ. Nếu kiểm toán công vẫn vận hành theo tư duy truyền thống, thì rõ ràng chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội vàng để kiến tạo một nền tài chính công chủ động, linh hoạt và có khả năng tự học hỏi. Điều quan trọng không chỉ là có dữ liệu, mà là khả năng phân tích, đối chiếu và phản ứng nhanh chóng trước những dấu hiệu bất thường trong chi tiêu công."

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương. Ảnh: ACCA Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương. Ảnh: ACCA Việt Nam

Thứ trưởng Phương nhấn mạnh vai trò kiến tạo của kiểm toán công rằng "Một báo cáo kiểm toán không nên chỉ dừng lại ở con số chi sai hay vi phạm, mà phải đi sâu làm rõ các nguyên nhân hệ thống như bất cập thể chế, thiết kế chính sách thiếu khả thi hay quy trình thực thi thiếu giám sát. Đó là khi kiểm toán trở thành một lực đẩy cải cách thực sự mà không chỉ phản ánh thực trạng, mà còn định hình tương lai của nền tài chính quốc gia."

Tại sự kiện, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam, nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ số không còn là tương lai, mà là hiện tại của ngành kiểm toán.

Ông Hưng chia sẻ, hiện nay tại một số nước tiên phong như Anh, New Zealand hay Malaysia, các hệ thống AI đã được tích hợp sâu vào chu trình ngân sách nhà nước, từ giai đoạn lập kế hoạch, phân bổ, đến giám sát và đánh giá hiệu quả chi tiêu.

Ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam. Ảnh: ACCA Việt Nam

Ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam. Ảnh: ACCA Việt Nam

"Điều đó đặt ra yêu cầu cho Việt Nam: nếu chúng ta không bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong kiểm toán, thì không chỉ tụt hậu về kỹ thuật, mà còn bỏ lỡ cơ hội nâng cao chất lượng điều hành tài khóa và quản trị công. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ lỡ nhịp trong việc củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính công, đây là điều cốt lõi để duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài," ông Hưng cho biết thêm.

Trong khuôn khổ sự kiện về quản trị tài chính công và chuyển đổi số, hai chuyên gia đến từ tổ chức quốc tế đã có những chia sẻ sâu sắc và toàn diện về các thách thức, cơ hội và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công tại Việt Nam.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, đã nhấn mạnh vai trò then chốt của quản trị tài chính công trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính công, ông đã phân tích rõ những cơ hội và thách thức Việt Nam đang đối mặt, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách và minh bạch tài chính, góp phần xây dựng nền tài chính công hiện đại và bền vững.

Bên cạnh đó, bà Sha Wen, Cố vấn Thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã cung cấp cái nhìn tổng quan về Khung quản lý tài chính công số hóa, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kiểm toán viên trong việc đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả của khung này. Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn quản trị công cho các quốc gia, bà Sha Wen đã làm rõ cách thức công nghệ và kiểm toán công có thể phối hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong quản lý tài chính công.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Đàm Xuân Lâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Văn phòng Hà Nội, Bộ phận Kiểm toán, KPMG Việt Nam, kiêm Ủy viên Ban Chấp hành VACPA, cho biết KPMG đã phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ AI tiên tiến, nổi bật nhất là AI Transaction Scoring, một công cụ cho phép kiểm toán toàn bộ 100% các giao dịch thay vì chỉ kiểm tra theo phương pháp chọn mẫu truyền thống.

"Chúng tôi có kế hoạch phát triển các tính năng mới cho KPMG Clara AI Chat trong quý 2 năm 2025, bao gồm trợ lý tự động phát hiện các thủ tục kiểm toán bắt buộc, trình tạo sơ đồ quy trình tự động, công cụ trích xuất dữ liệu và trợ lý hỗ trợ đảm bảo chất lượng kiểm toán. Thư viện gợi ý cũng sẽ được mở rộng nhằm tối ưu hóa trải nghiệm tương tác người dùng,” ông Lâm nói thêm. “Xa hơn, các phiên bản kế tiếp sẽ nâng cao khả năng AI hiểu sâu hơn về doanh nghiệp và môi trường hoạt động của khách hàng, cũng như hỗ trợ kiểm toán có hướng dẫn.”

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Kiểm toán & quản trị công: Tăng cường năng lực để thích ứng và phát triển bền vững" với các chuyên gia trong nước và quốc tế nhấn mạnh rằng tại thị trường Việt Nam, ngành kiểm toán đang bước những bước đầu tiên trên hành trình ứng dụng AI, và đây chính là thời điểm vàng để định vị ngành kiểm toán Việt Nam trên bản đồ chuyển đổi số toàn cầu.

Các chuyên gia đã đi sâu vào ba nhóm giải pháp đột phá nhằm hiện đại hóa kiểm toán công tại Việt Nam. Thứ nhất, cải cách thể chế để thúc đẩy mô hình kiểm toán kết quả thay vì kiểm toán đầu vào, đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc chia sẻ và tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan.

Thứ hai, phát triển năng lực kiểm toán viên số thông qua chương trình đào tạo tích hợp công nghệ và quản trị công. Thứ ba, đầu tư xây dựng hệ sinh thái dữ liệu lớn cho tài chính công, kết nối liên thông giữa ngân sách số, kho bạc, thuế, hải quan và hệ thống ERP tại các bộ ngành.

Vy Vy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/viet-nam-buoc-vao-ky-nguyen-kiem-toan-cong-so-hoa-post369837.html
Zalo