Viêm thanh quản ở trẻ em trong mùa lạnh: Nhận diện, điều trị và phòng bệnh
Thanh quản là bộ phận tạo ra âm thanh khi nói, vì thế khi viêm thanh quản sẽ dẫn đến khàn tiếng, ho, khó thở và các triệu chứng khác, đặc biệt vào mùa đông khi thời tiết lạnh và độ ẩm cao.
Viêm thanh quản là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, nhất là trong mùa đông. Đó là tình trạng viêm nhiễm phần hẹp nhất của hệ thống hô hấp trên, đó là thanh quản.
Trong điều kiện thời tiết lạnh, hệ miễn dịch của trẻ bị yếu đi, làm cho vi khuẩn và virus dễ dàng tấn công các cơ quan hô hấp, trong đó có thanh quản. Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc nhất vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
Triệu chứng của bệnh viêm thanh quản
Viêm thanh quản ở trẻ em có thể được phát hiện qua các dấu hiệu và triệu chứng như:
Trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao: Trẻ có thể bị sốt do nhiễm trùng gây viêm.
Trẻ thường cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống khi mắc bệnh, nên sẽ quấy khóc.
Trẻ ho khan hoặc ho có đờm. Ho là một triệu chứng thường gặp khi bị viêm thanh quản. Ho có thể trở nên dữ dội hơn vào ban đêm.
Triệu chứng phổ biến là khàn tiếng hoặc mất tiếng: Do viêm và sưng dây thanh quản, trẻ sẽ có tiếng nói khàn hoặc thậm chí mất tiếng hoàn toàn.
Viêm thanh quản có thể gây cản trở đường thở, khiến trẻ cảm thấy khó thở, thở khò khè, đặc biệt khi cơn ho xuất hiện.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của viêm thanh quản như trên, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Có thể biến chứng nghiêm trọng!
Nếu viêm thanh quản không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
Thứ nhất, có thể suy hô hấp: Viêm thanh quản phù nề có thể làm cản trở nghiêm trọng việc lưu thông không khí, gây khó thở hoặc ngừng thở.
Thứ hai, nhiễm trùng lan rộng: Viêm thanh quản không được điều trị có thể lan xuống khí quản, phế quản, phổi
Thứ ba, có thể bị khàn tiếng kéo dài: Nếu không được điều trị, viêm thanh quản có thể gây tổn thương lâu dài cho dây thanh âm, ảnh hưởng đến khả năng phát âm của trẻ.
Một biến chứng phổ biến khác ở trẻ nhỏ là cơn thở rít (croup): Đây là biến chứng phổ biến ở trẻ nhỏ, khi thanh quản bị nề có thể gây khó thở thanh quản.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm thanh quản
Khi trẻ mắc viêm thanh quản, thái độ của bố mẹ và người chăm sóc rất quan trọng trong việc giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và tránh biến chứng. Cần theo dõi sát các triệu chứng của trẻ, đặc biệt là tình trạng khó thở, khàn tiếng và ho. Luôn đảm bảo trẻ luôn được giữ ấm, đặc biệt là cổ và ngực trong mùa lạnh. Điều quan trọng nhất là không tự ý dùng thuốc, không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị viêm mà không có sự chỉ định của bác sĩ, vì viêm thanh quản thường do virus và không cần điều trị bằng kháng sinh.
Nên cho trẻ uống nhiều nước, vì nước giúp làm dịu cổ họng và hỗ trợ hệ thống miễn dịch của trẻ. Tuyệt đối tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc và môi trường ô nhiễm, bởi khói thuốc và các chất ô nhiễm có thể làm tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn, vì vậy cần giữ cho trẻ ở môi trường sạch sẽ.
Điều trị viêm thanh quản
Đối với viêm thanh quản do virus, các bác sĩ điều trị chủ yếu là triệu chứng và chỉ định chế độ ăn uống sinh hoạt bao gồm nghỉ ngơi, uống đủ nước, và sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol nếu cần. Trong trường hợp có biến chứng như viêm thanh quản nặng hoặc thở khò khè hoặc có biểu hiện nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh, giãn phế quản hoặc corticosteroid để giảm viêm.
Phòng bệnh
Để phòng viêm thanh quản, cần bảo vệ trẻ khỏi một số nguyên nhân gây bệnh bằng tăng sức đề kháng, tránh để nhiễm lạnh. Luôn tránh gió, giữ ấm cơ thể và cổ họng cho trẻ. Tránh khói, bụi và các yếu tố ô nhiễm môi trường khác. Một điều quan trọng nữa là cho trẻ rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bệnh để giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Viêm thanh quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ em trong mùa lạnh. Bố mẹ và người chăm sóc cần nhận diện đúng các triệu chứng để can thiệp kịp thời và tránh biến chứng nghiêm trọng. Điều trị viêm thanh quản chủ yếu là hỗ trợ, nhưng trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là cần thiết. Dự phòng bệnh bằng các biện pháp vệ sinh và giữ ấm cho trẻ là rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh.