Thiếu nữ 17 tuổi học lớp 6 và hành trình hồi sinh nhờ phần cơ thể của người khác
Ở tuổi 17, Lê Trân mới trở thành học sinh lớp 6. Cô gái cười hạnh phúc kể lại khoảnh khắc lọt thỏm giữa lớp vì cơ thể quá nhỏ bé của mình.
LỜI TÒA SOẠN
Có những người bệnh khi biết mình bị suy tim, suy thận, suy gan..., cả thế giới như sụp đổ. Dẫu luôn khao khát mãnh liệt được sống tiếp nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để chữa trị.
Và khi một bệnh nhân được chẩn đoán không còn cơ hội đi tiếp nhưng có khả năng hồi sinh tính mạng của những người đang ở bên bờ vực chết, thì vẫn có thể sống theo một cách khác.
Báo VietNamNet giới thiệu đến bạn đọc tuyến bài "Hiến tạng: Nước mắt và tiếng cười của những người cho - nhận".
Câu chuyện của Trân trở thành niềm ao ước của nhiều bệnh nhân suy thận khác, trong đó có em trai ruột là Lê Triệu.
Đau xót khi 2 người con đều mắc bệnh thận
Chúng tôi gặp 3 mẹ con chị Trần Hoàng Bích Cẩm (SN 1969) vào một ngày tháng 11, sau khi chị vừa đi họp phụ huynh cho con gái đầu Phạm Trần Lê Trân (SN 2007).
Chị Cẩm có con gái đầu lòng ở tuổi 38. Một năm sau, chị có thêm con trai Phạm Trần Lê Triệu. Chồng có tiền sử bệnh ung thư dạ dày và viêm màng não nên giảm sức lao động, chị trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Dù vậy, chị luôn hạnh phúc vì các con lớn lên ngoan ngoãn, biết thương cha mẹ.
Thế nhưng vào một ngày tháng 8/2018, sau thời gian dài bị mệt, Lê Trân bất ngờ được phát hiện bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Cùng năm ấy, chị Cẩm bàng hoàng khi con trai cũng bị suy thận mạn.
Trong 3 năm đầu, Lê Trân phải thẩm phân phúc mạc, tái khám và mua dịch lọc hằng tháng. Dần dần, em chuyển sang chạy thận nhân tạo. Còn Lê Triệu vẫn điều trị bằng thuốc.
Năm 2021, Lê Trân phải nhập viện vì sức khỏe suy giảm. Cô bé nhỏ xíu, gầy gò và yếu ớt. Ngoài chia sẻ về bệnh tình đau đớn, Trân cũng trải lòng về mong muốn lớn nhất là khỏe lại để tiếp tục đi học.
Thế nhưng ở thời điểm ấy, cơ hội để em có một cuộc sống khỏe mạnh rất mong manh.
Chị Cẩm tâm sự con gái từng vài lần được đưa vào danh sách ghép tạng từ người hiến chết não, nhưng chưa có duyên. Đối với những bệnh nhân chạy thận thì sức khỏe thay đổi thất thường, có thể đang khỏe mạnh nhưng rồi bỗng chốc thiếu máu, tăng huyết áp… Vì vậy, chị chỉ biết khẩn cầu trong tâm, ước mong cho con có cơ hội sống.
Vỡ òa khi nghe tin con gái được người chết não hiến thận
Tháng 1/2023, Lê Trân tròn 16 tuổi, hết tuổi nhi đồng. Chị Cẩm đăng ký cho con chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Và từ đây, một cơ duyên khác của cô bé lại mở ra.
“Con được ghép tạng sau khi chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy được hơn 1 tháng. Từ giấc mơ trở thành sự thực, tôi khóc òa hạnh phúc” - chị Cẩm cười.
Chị còn nhớ chiều ngày 25/2/2023, khi vừa nhận cọc vé số để chuẩn bị đi bán thì nhận được cuộc gọi từ Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy. Họ báo có thận thích hợp cho Trân từ một người hiến chết não.
Bất ngờ và vội vã, chị Cẩm đánh rơi cọc vé số lúc nào không hay, quay ngay về nhà trọ đưa con gái nhập viện. Lê Trân khi ấy cũng đang mơ màng bởi buổi sáng vừa chạy thận xong.
Nghe mẹ kể lại câu chuyện hôm đó, Trân cũng bật cười: “Sau khi mẹ nói nhập viện để ghép thận, em không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy đã là 2 ngày sau ca ghép”.
Ngay khi tỉnh lại, Trân đã cảm nhận được sức sống mới trong cơ thể mình. Thật khó diễn tả sự thay đổi ấy đối với cô bé mới học hết lớp 5, nhưng qua gương mặt rạng rỡ của em cũng có thể hiểu được niềm hạnh phúc ấy lớn ngần nào.
Đến nay, em đã thực hiện được mong ước đi học trở lại. Ở tuổi 17, em trở thành học sinh lớp 6. Cơ hội khó gặp của em trở thành niềm ao ước của nhiều bệnh nhân bị suy thận khác, trong đó có cả Lê Triệu.
“Tôi tham lam, lại muốn mơ thêm một lần nữa…”
So với chị gái, Lê Triệu có phần may mắn hơn khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Em cầm cự bằng thuốc nhiều năm trước khi phải chạy thận.
Sau khi sức khỏe của con gái dần ổn định, chị Cẩm có ý định mùa hè năm 2024 đưa 2 con về quê thăm cha mẹ và người thân. Đáng tiếc, mong muốn này còn chưa kịp thực hiện thì tháng 12 năm ngoái, bệnh của Lê Triệu trở nặng.
“Con bị ngất khi đang thi học kỳ, khi đưa vào viện thì phải chạy thận luôn rồi. Thế là 3 mẹ con lại tiếp tục tha hương” - người mẹ chua xót.
Trong khi Trân là cô gái vô tư thì Triệu lại là chàng trai tâm lý. Cậu bé thương mẹ làm lụng vất vả cả ngày đêm để lo kinh phí, cố bám trụ lại thành phố cho 2 chị em chữa bệnh. Em lại càng thương mẹ hơn nữa khi biết vì mình mà mẹ không thể về thăm bà ngoại. Vài lần, Triệu thủ thỉ khuyên mẹ cứ về thăm bà, em sẽ tự chăm lo cho bản thân, nhưng chị Cẩm chẳng thể bỏ lại các con.
“Khi phải chạy thận rồi thì con gần như sống nương vào bệnh viện. Đã nhiều năm nay, mẹ con tôi chỉ về vào dịp xin giấy chuyển tuyến, cũng chẳng dám ở lâu” - chị giãi bày.
Người mẹ ấy vẫn đang “cày ngày, cày đêm” để kiếm tiền. Mỗi tháng, chi phí cho các con chị chữa bệnh ít nhất là 8 triệu đồng, chưa kể tiền đóng trọ, ăn uống…
Khi được đề cập đến chuyện ghép thận của Triệu, chị bùi ngùi: “Đó cũng là ước mơ của tôi. Sau khi giấc mơ con gái được ghép thận rồi, tôi lại tham lam, muốn mơ giấc mơ ấy một lần nữa cho con trai”...