Cô gái 23 tuổi bức xúc vì bị bác sĩ tự ý cắt bỏ ruột thừa

Phẫu thuật để điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung, cô gái 23 tuổi không ngờ bác sĩ đã tự ý cắt cả ruột thừa của cô dù bộ phận này hoàn toàn khỏe mạnh.

Đầu năm nay, Bella (23 tuổi, sống tại Cleveland, Mỹ) được chẩn đoán mắc lạc nội mạc tử cung ở mức độ trung bình. Cô thường gặp những cơn đau dữ dội và phải làm tiểu phẫu để loại bỏ các tổ chức u nội mạc.

Trước khi tiến hành, nhân viên phòng khám Cleveland nói với Bella rằng đây là thủ thuật nội soi, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ để đưa ống có gắn camera và thiết bị can thiệp vào bụng.

Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, Bella lại được các bác sĩ thông báo rằng họ đã không chỉ loại bỏ các khối u nội mạc tử cung mà còn cắt cả ruột thừa của cô.

Bella biết rằng bệnh lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến ruột thừa, bàng quang, đại tràng và cô đồng ý phẫu thuật các cơ quan đó nếu cần thiết. Tuy nhiên, các bác sĩ đã cho biết thực tế ruột thừa của cô hoàn toàn khỏe mạnh, họ cắt chỉ vì nghĩ nhỡ may sau này nó có thể bị viêm, điều này khiến nữ bệnh nhân tức giận.

"Thật điên rồ khi tôi phẫu thuật lạc nội mạc tử cung nhưng lúc tỉnh dậy bác sĩ lại thông báo đã cắt cả ruột thừa", Bella bức xúc kể lại.

Theo các nghiên cứu, ruột thừa có cơ chế hoạt động như một kho lưu trữ vi khuẩn có lợi, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng gây tử vong. Nếu không bị viêm, sự tồn tại của ruột thừa chẳng những không gây hại mà còn có ích.

Cắt ruột thừa là một thủ thuật đơn giản nhưng vẫn có những rủi ro như bầm tím, chảy máu, cục máu đông, tắc ruột và thoát vị. Các bác sĩ cần có sự đồng ý của bệnh nhân trước khi cắt bỏ bộ phận này.

Chia sẻ trên mạng xã hội, Bella không giấu được sự bức xúc: "Vậy là các bác sĩ đã lấy đi một bộ phận nội tạng hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường của tôi".

Nhiều cư dân mạng cũng bất bình: "Tại sao các bác sĩ lại không hỏi ý kiến bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật?", "Nếu các bác sĩ mà hỏi và giải thích cặn kẽ, tôi nghĩ nhiều bệnh nhân sẽ cân nhắc việc đồng ý. Nhưng việc tự ý cắt ruột thừa như vậy thật không thể chấp nhận được".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực tế, tình trạng bác sĩ phẫu thuật nhầm cho bệnh nhân không phải hiếm trên thế giới.

Trước đó, một bác sĩ người Áo đã phải hầu tòa vì sơ suất cắt nhầm chân của một bệnh nhân lớn tuổi.

Ngày 1/12/2021, tòa đã phạt người bác sĩ vì cắt bỏ nhầm chân của bệnh nhân 82 tuổi trong một cuộc phẫu thuật. Mức phạt lên đến 2.700 Euro.

Bác sĩ phẫu thuật 43 tuổi người Áo đã cắt cụt chân của một nam bệnh nhân 82 tuổi trong một cuộc phẫu thuật vào tháng 5 ở thị trấn Freistadt và chỉ nhận ra sai sót hai ngày sau khi cuộc phẫu thuật hoàn thành.

Vị bác sĩ này cho biết hành động của bà là do sơ suất. Vị bác sĩ phẫu thuật nói rằng, ngoài sơ suất của bà, chuỗi quản lý và kiểm soát bệnh nhân của bệnh viện cũng có vài lỗ hổng dẫn đến sai sót như trên.

Bệnh nhân đã qua đời trước khi phiên tòa diễn ra, vì vậy tòa trao lại số tiền bồi thường cùng với tiền lãi cho người vợ của bệnh nhân quá cố.

Ban quản lý cơ sở y tế nơi cuộc phẫu thuật diễn ra cũng đã thông báo rằng nguyên nhân và hoàn cảnh chi tiết dẫn đến sai sót đã được phân tích để tránh lặp lại. Các thủ tục và quy trình nội bộ cũng được tiến hành để sửa chữa các lỗ hổng trong quản lý và kiểm soát bệnh nhân.

M.H (t/h theo VTC News, Lao Động)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-gai-23-tuoi-buc-xuc-vi-bi-bac-si-tu-y-cat-bo-ruot-thua-204241203152842816.htm
Zalo