Viêm não mô cầu nguy hiểm thế nào?

Một quân nhân tử vong do nhiễm khuẩn não mô cầu và 7 quân nhân khác phải cách ly. Vậy viêm não mô cầu lây lan và nguy hiểm ra sao?

Ngừng tuần hoàn ngoại viện do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp

Bộ Quốc phòng vừa có thông tin chính thức vụ một quân nhân Quân khu 1 tử vong và cách ly 7 quân nhân khác.

Theo đó, quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp, nhân viên quân khí thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 1 tử vong do bị sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp.

Sau khi sự việc xảy ra, Viện Y học dự phòng quân đội đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 12, Sư đoàn 3. Qua xét nghiệm đã phát hiện 7 mẫu dương tính với vi khuẩn não mô cầu, đây là những cán bộ, chiến sĩ đã tiếp xúc trực tiếp với quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp.

 Lực lượng chức năng xét nghiệm những quân nhân tiếp xúc với quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp. Ảnh: Quân khu 1

Lực lượng chức năng xét nghiệm những quân nhân tiếp xúc với quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp. Ảnh: Quân khu 1

Đơn vị đã tổ chức cách ly, theo dõi đối với 7 quân nhân trên và tích cực phối hợp với Sư đoàn 3 cùng các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước đó, quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp báo cáo chỉ huy đại đội mình có biểu hiện bị sốt, buồn nôn và đau bụng. Quân nhân Nghiệp đã được bộ phận y tế của đơn vị thăm khám, truyền dịch, hạ sốt, kháng sinh và theo dõi.

Tuy nhiên, sức khỏe của quân nhân Nghiệp vẫn không được cải thiện, đơn vị đã chuyển lên Bệnh viện Quân y 110 rồi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị. Tại đây, các y, bác sĩ đã tích cực điều trị cứu chữa song quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp không qua khỏi.

Qua kết quả xét nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xác định, quân nhân Nghiệp ngừng tuần hoàn ngoại viện do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp.

Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh nhưng cần thận trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Các bác sĩ Bệnh Viện Đa Khoa Xuyên Á cho biết, bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu lây lan trong cộng đồng qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết có chứa vi khuẩn. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, tuy nhiên trẻ nhỏ dưới 5 tuổi được coi là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm màng não mô cầu.

Viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính, cần phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao và có thể để lại di chứng suốt đời sau khi khỏi bệnh.

Do bệnh rất nguy hiểm nên cần có những biện pháp chủ động phòng bệnh, tiêm vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả cao.

Hiện nay, có 3 loại vắc xin viêm màng não mô cầu bao gồm vắc xin não mô cầu nhóm B thế hệ mới Bexsero (Ý), VA-Mengoc BC (CuBa) phòng bệnh do não mô cầu nhóm B và B+C, vắc xin Menactra (Mỹ) phòng bệnh do não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135.

Lịch tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu được khuyến cáo:

- Lịch tiêm đối với vắc xin não mô cầu nhóm B+C (VA-Mengoc BC): Đối tượng được chỉ định tiêm là trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi. Lịch tiêm vắc xin VA-Mengoc BC bao gồm 2 mũi cách nhau 6-8 tuần.

- Lịch tiêm đối với vắc xin não mô cầu nhóm B (vắc xin Bexsero):

+ Trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tháng tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 02 tháng, mũi nhắc lại sau mũi 2 tối thiểu 6 tháng khi trẻ >=12 tháng tuổi.

+ Trẻ tròn 6 tháng đến dưới 12 tháng tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 02 tháng, và mũi nhắc lại sau mũi 2 tối thiểu 2 tháng khi trẻ >= 12 tháng tuổi.

+ Trẻ từ tròn 1 tuổi đến dưới 2 tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 02 tháng và mũi nhắc lại sau mũi 2 là 12 tháng.

+ Người từ 2 tuổi đến 50 tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 01 tháng.

– Lịch tiêm với vắc xin viêm màng não não mô cầu nhóm A, C, Y, W (vắc xin Menactra): Tiêm cho trẻ từ 9 tháng tới 2 tuổi và người trưởng thành không quá 55 tuổi. Tiêm 2 mũi với trẻ nhỏ, khoảng cách giữa các mũi tiêm là 3 tháng. Và tiêm 1 lần duy nhất với người lớn.

Thúy Nga/ VietnamDaily

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/viem-nao-mo-cau-nguy-hiem-the-nao-2081274.html
Zalo