Việc làm cho lao động nhàn rỗi
Việc làm cho lao động nhàn rôĩĐa số người lớn tuổi, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn thường ở nhà lo việc nội trợ, chăm sóc con cháu. Tùy theo điều kiện kinh tế, có người chọn nghỉ ngơi tận hưởng tuổi già, cũng có người muốn tiếp tục làm việc phù hợp với sức khỏe và có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Nhiều việc làm đã được phát triển phù hợp theo nhu cầu nói trên, thậm chí thành lập được tổ, nghiệp đoàn, có định hướng, kế hoạch hoạt động đem lại hiệu quả.
Mấy chục năm nay, bà Phạm Thị Hoa (xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) sống bằng nghề bó chổi cọng dừa và đan giỏ ny-lon. Tuổi càng cao, bà nhận ra lựa chọn này rất phù hợp, không phải chạy ngược xuôi mua bán, hay làm lụng vất vả ngoài đồng. Bà chỉ cho các phụ nữ ở gần nhà học nghề, trước là để phụ giúp bà khi có đơn hàng nhiều, sau nhằm giúp họ kiếm thêm thu nhập phù hợp với khả năng. Vậy là nghề đan giỏ ny-lon phát triển dần, từ 5 người, 10 người, tăng lên 15 người và được thành lập nghiệp đoàn. Phần lớn các thành viên ở độ tuổi 50 - 60, thường nhận nguyên liệu về nhà đan các mẫu giỏ theo yêu cầu, tính theo sản phẩm trả tiền công.
“Công việc này muốn tập hợp mọi người về một chỗ rất khó. Có người lo cơm nước, có người đi đồng, dành thời gian rảnh ở nhà mới làm. Bù lại, việc đan giỏ khá nhẹ nhàng, dễ học, người khéo tay chỉ 2 ngày là biết đan rồi. Mùa này đang cao điểm Tết, đơn hàng nhiều lắm nên các chị, các cô làm liên tục. Giỏ phổ biến là giỏ ny-lon đi chợ, kế đến là giỏ hoa văn theo nhiều kích cỡ khác nhau, toàn bộ sẽ giao cho các cửa hàng ở thị trấn Núi Sập. Loại giỏ hoa văn sẽ có giá bán cao hơn, vì sáng tạo đổi mới nhiều mẫu mã, có giá trị thẩm mỹ, nhiều ứng dụng… Sau khi thành lập nghiệp đoàn, chúng tôi được Liên đoàn Lao động huyện Thoại Sơn giới thiệu để vay vốn lãi suất ưu đãi mua nguyên liệu phục vụ làm trong mùa Tết” - bà Phạm Thị Hoa chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Đẹp năm nay ngoài 60 tuổi, là một trong những thợ giỏi của nghiệp đoàn. Thời còn khỏe, bà Đẹp làm thuê các việc thời vụ nông nghiệp. Vài năm nay, bà chuyển sang bó chổi cọng dừa và hiện nay có thêm việc đan giỏ ny-lon. Bà Đẹp cho biết, cả 2 việc bà đều duy trì song song, ngày nào năng suất khá có thể kiếm được 200.000 đồng. Càng cận Tết, đơn hàng nhiều, được chủ mối giao nguyên liệu bà càng vui, vì sẽ có thêm đồng vào, đồng ra… Bà Đẹp tâm sự: “So với hồi trước đi làm thuê, có ngày làm ngày nghỉ, bây giờ công việc khá ổn định, ngồi ở nhà mát mẻ, lại có tiền đỡ đần cùng con cháu nên tôi thấy rất vui. Xung quanh có nhiều người gia cảnh no đủ, khá giả cũng thích làm việc này, giúp tuổi già đỡ buồn chán”.
Với nghề chằm nón lá, ở các làng nghề còn duy trì nơi miền quê, khó nhận ra không khí sản xuất xôm tụ như các ngành nghề khác. Thay vào đó, nhịp sống và làm việc âm thầm của các bà, các mẹ lại bền bỉ qua năm tháng. Nghề làm nón lá được đa số người ở quê xem là nghề phụ, hễ rảnh tay lúc nào thì chuyển sang làm lúc đó. Cũng nhờ vậy, nghề tạo việc làm cho rất nhiều phụ nữ, linh hoạt thời gian để kiếm thêm thu nhập. Người trẻ hiện nay đều rời quê hoặc đi làm ở các cơ quan, đơn vị, công ty… Chỉ còn lớp trung niên, cao tuổi lấm tấm tóc bạc giữ lại nét xưa của nghề. Bà Nhịn, ở thị trấn Hội An (huyện Chợ Mới), kể rằng, bà theo nghề chằm nón từ thời còn con gái, đến nay đã hơn 60 tuổi vẫn làm. Theo thời gian, dù không còn hoạt bát như xưa, bà làm lai rai vì ở không thì buồn lắm. Mấy chục năm qua, chắt chiu từng đồng qua việc chằm nón, bà lo được cho các con ăn học, giờ lo tiền chợ cá, mắm hàng ngày vẫn thấy vui.
Đối với bà Ngọc Dung (46 tuổi) thì nghề này tuy thu nhập không cao nhưng ổn định nhờ giá bán, có nguồn tiêu thụ. Việc hàng ngày của bà Dung là nội trợ, xong giờ cơm nước bà liền bắt tay sang chằm nón, bình quân mỗi ngày hoàn thiện 2 cái nón là đã có tiền mua bánh, trái cây cho con cháu và những chi tiêu lặt vặt. Đó cũng là thói quen của nhiều người lớn tuổi làm nghề chằm nón, kể cả con cháu khuyên nghỉ ngơi nhưng vẫn không nỡ vì buồn và nhớ nghề. Có chút thời gian rảnh họ liền đem nan ra vót, vuốt lá, đan nón… để tìm nguồn vui trong cuộc sống. Nghề chằm nón đã được thành lập tổ hợp tác, hỗ trợ về vốn, tập huấn kỹ năng quảng bá sản phẩm… Bằng cách này, không chỉ tạo ra việc làm và thu nhập cho phụ nữ vùng nông thôn, mà còn góp sức cho những người tâm huyết giữ lại nghề truyền thống của ông bà.