Việc đi lễ vẫn còn… mắc lỗi

Đi lễ đầu xuân vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, song hiện nay có những người chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đi lễ nên có những cách làm chưa đúng.

Đi lễ đầu xuân vốn là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam

Đi lễ đầu xuân vốn là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam

Chị bạn tôi ở TP Hải Dương kể, từ mùng 1 Tết, chị chồng đã cùng chồng đi mấy ngôi chùa, ngôi đình nổi tiếng trong tỉnh thắp hương, dâng lễ. Cảm thấy chưa đủ, chị còn đi lễ ở ngoài tỉnh, cầu khấn cho gia đình êm ấm, hòa thuận, vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ… Không chỉ bố mẹ, con gái lớn của chị cùng với chúng bạn cũng dành nguyên 1 ngày đi lễ. Tính ra, Tết vừa rồi, gia đình chị chi cả chục triệu đồng cho việc thuê xe, sắm lễ, công đức. Chị bảo, làm như vậy chị cảm thấy luôn được che chở, mới yên tâm làm việc khác.

Ý nguyện, mong muốn của chị là chính đáng nhưng lại chưa đúng ý nghĩa của việc đi lễ đầu xuân. Và tình trạng này đang diễn ra không chỉ với gia đình chị mà còn nhiều người khác. Đi lễ nhưng lại chưa hiểu hết ý nghĩa của từng ngôi chùa, ngôi đình, đền và việc sắp lễ cầu khấn cho đúng, phù hợp với từng nơi đến. Đã thế, có người đi lễ nhưng lại chưa chú ý đến hành vi, thái độ nên ăn mặc hở hang, phản cảm, cười nói to, xả rác bừa bãi nơi công cộng. Có người công đức nhưng lại không bỏ vào trong thùng hay ghi vào sổ mà giắt tiền vào tay tượng Phật, thả tiền xuống giếng…

Rồi có những nơi đông đúc phải chen nhau, chỗ đứng cầu khấn không được thoải mái, người nọ vái lạy sau lưng người kia, thậm chí có người phải đứng từ xa vái vọng…

Tình trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song có thể nói một phần do tâm lý bất an, không yên tâm của nhiều người. Họ đến đình, chùa làm lễ cầu khấn là mong muốn tìm nơi để được che chở, hỗ trợ về mặt tâm lý để có niềm tin hơn vào cuộc sống. Một bộ phận tâm lý a dua, dù thấy không thật sự cần thiết nhưng khi được bạn bè rủ vẫn cứ đi. Hiện nay còn có tâm lý “phú quý sinh lễ nghĩa”, đó là khi giàu có hay sinh ra các nghi thức.

Đi lễ đầu xuân vốn là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Đền, đình, chùa là những nơi yên tĩnh, thanh tịnh, người dân đến để soi lại tâm hồn, chiêm nghiệm cuộc sống chứ không phải để cầu khấn. Giáo lý của Phật giáo hướng con người sống tốt đẹp hơn, hay làm phúc, việc thiện để xây dựng cho mình một tâm hồn thanh tịnh, có như vậy cuộc sống mới trở nên tốt đẹp hơn.

Vậy làm sao để đi lễ đầu xuân cho đúng, vừa mang lại bình an cho bản thân và gia đình mà lại không mệt nhọc, tốn kém, lãng phí? Trước hết, mỗi người hãy học cách sống theo lời dạy của Phật hoàng Trần Nhân Tông là: thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba mới đến tu chùa. Trong cuộc sống hằng ngày hãy sống chân thành, không giả dối, không làm những điều vi phạm pháp luật, thường xuyên làm việc thiện… Từ đó, tâm hồn sẽ thanh thản, cuộc sống tự nhiên sẽ không còn lo lắng, buồn phiền. Trước khi đi lễ, cần tìm hiểu kỹ nơi đến như thế nào, thờ ai, về lĩnh vực gì để chuẩn bị lễ cho đúng, chu đáo. Khi đi lễ cũng nên chọn lọc nơi đến, phù hợp với mong muốn, ước nguyện của bản thân và gia đình chứ không nên đi quá nhiều, đâu cũng đi. Việc sắm lễ cần trong khả năng cho phép, không nên làm quá to, quá lớn. Cần tuân thủ nghiêm các quy định của nơi đến làm lễ, nhất là ăn mặc, cười nói… Có như vậy, việc đi lễ đầu xuân mới mang lại ý nghĩa.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/viec-di-le-van-con-mac-loi-373618.html
Zalo