VIC bứt tốc nhờ 'động cơ' VinFast, CEO tăng 25% sau 3 phiên

Chỉ số tăng điểm mạnh nhưng số mã giảm lại nhiều hơn mã tăng, do dòng tiền tập trung ở một số mã lớn, trong đó riêng VIC đã đóng góp 3,5 điểm cho VN-Index.

VIC tím trần giúp vốn hóa nhóm bất động sản tăng mạnh nhất.

VIC tím trần giúp vốn hóa nhóm bất động sản tăng mạnh nhất.

Kết phiên giao dịch 16/8, VN-Index tăng hơn 9 điểm so với kết phiên hôm qua, lên mốc 1.243,26 điểm. HNX-Index và UPCoM cũng đều ở chiều tăng giá. Thanh khoản thị trường đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng so với phiên hôm qua.

Khối ngoại giao dịch gần 2.600 tỷ đồng và vẫn giữ vị thế bán ròng. Tuy nhiên giá trị bán ròng đã giảm, chỉ còn bán ròng 24 tỷ đồng trên HoSE. VPB bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 85 tỷ đồng, HDG, KDH, VCI, VHM, MSN bị bán ròng từ 30-60 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, VIC được mua ròng áp đảo 186 tỷ đồng. VRE cũng được mua ròng trên 100 tỷ đồng. CTG được mua ròng 51 tỷ đồng. BID, HAX, HPG được mua ròng trên 20 tỷ đồng.

Nhìn tổng thể, thị trường hôm nay trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, với gần 450 mã ở chiều giảm trong khi số mã ở chiều tăng là hơn 350 mã. Dòng tiền mua tập trung vào một số cổ phiếu lớn khiến VN30 tăng gần 16 điểm.

Đầu tàu kéo chỉ số chính là cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup. VIC tăng trần từ khi mở cửa, khớp lệnh 3,9 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị. Ở mức giá 75.600 đồng, VIC đã tăng 48% kể từ 24/7. Vốn hóa của Vingroup cũng tăng lên hơn 288.000 tỷ đồng, giữ vững vị trí thứ 2 trong top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn.

Đà tăng của VIC tiếp tục được hỗ trợ bởi “động cơ” VinFast. Tối 15/8, cổ phiếu của hãng xe điện chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq và không làm nhà đầu tư thất vọng khi tăng 68,4% so với mức giá chào sàn (22 USD) lên 37,06 USD/cp. Với con số này, giá trị vốn hóa của hãng xe điện đạt mức 85,5 tỷ USD, gấp gần 3 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD.

Hai bluechip ngân hàng là STB và TCB cũng có đóng góp đáng kể cho chỉ số khi tăng lần lượt 4,4 và 3,7%. Cùng với đó là BID, FPT, VHM, VPB tăng 1-2%. Chiều giảm có BCM, BVH, CTG, GAS, GVR, MSN, MWG, PLX, SHB, VJC; tuy nhiên mức giảm mạnh nhất chỉ 1,1% thuộc về VJC.

Nhờ sự bứt phá của VIC nên vốn hóa nhóm bất động sản tăng 2,5%, dẫn đầu chiều tăng. Tại nhóm này, bộ ba từng “tạo sóng” một thời là CEO, DIG, L14 cũng tăng mạnh.

CEO tăng hơn 8%, khớp lệnh hơn 21 triệu đơn vị. Cùng với 2 phiên tăng trần liên tiếp trước đó, mã đã tăng tới hơn 25% chỉ sau 3 phiên, leo lên mức giá 25.300 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 8/2022. CEO đang trong quá trình chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chỉ 10.000 đồng.

L14 tăng hơn 8% lên mức giá 62.000 đồng/cp. Hai phiên trước, cổ phiếu này cũng tăng trần liên tiếp. Chỉ trong hơn 1 tuần, mã đã tăng 32%.

DIG tăng hơn 4% lên mức giá 28.500 đồng. Từ đầu tháng 7 tới nay, cổ phiếu này đã tăng tới 40%.

Các nhóm ngành khác ở chiều tăng là ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin, khai khoáng. Nhóm ngân hàng chỉ có CTG và SHB giảm giá. Tăng mạnh ngoài STB và TCB còn có KLB +4,1%.

Nhóm chứng khoán có VIX tăng mạnh 6,4%, VND, SSI, HCM tăng dưới 1%. Các mã giảm chiếm số lượng nhiều hơn nhưng biên độ điều chỉnh không lớn, giảm mạnh nhất chỉ hơn 2%, tại APS, BMS, DSC.

Ở chiều giảm, nhóm giảm mạnh nhất là thủy sản. VHC, ANV, IDI, CMX đều giảm gần 2%. Các nhóm bán lẻ, nông nghiệp, xây dựng, thép... giảm nhẹ, các mã điều chỉnh không nhiều.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vic-but-toc-nho-dong-co-vinfast-ceo-tang-25-sau-3-phien-post25699.html
Zalo