Nợ công thấp là cơ sở huy động 67 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đến nay chúng ta đã thỏa mãn các điều kiện để làm dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đặc biệt trong đó tỷ lệ nợ công khá thấp (khoảng 37%), là dư địa tốt để huy động 67 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) chia sẻ, ông từng trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở Châu Âu và mong muốn Việt Nam cũng có loại hình giao thông này. Theo ông, đường sắt tốc độ cao đã được nhiều nước đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả cao.
“15 năm trước chúng ta đã thảo luận về dự án này, nhưng lúc đó chưa đáp ứng được về nguồn lực. Đến nay, chúng ta có thể tự tin khi hội tụ nhiều điều kiện để thực hiện dự án như quy mô nền kinh tế phát triển hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp”, đại biểu Ngân nói.
Theo đại biểu đoàn TPHCM, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi vào hoạt động sẽ thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA. Trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận.
Đồng thời, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cũng cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án; xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
Đồng tình với việc triển khai dự án, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, làm được dự án này là thực hiện niềm mong ước của nhân dân cả nước, tạo điều kiện thông thoáng trong đi lại trên hành lang trục giao thông Bắc - Nam.
Cũng theo đại biểu, dự án giúp tăng cường kết nối vùng miền, tạo động lực để chuyển dịch kinh tế, phân bổ dân cư và đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục Bắc - Nam; phát triển công nghiệp đường sắt, phát triển phương thức vận tải bền vững...
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh đến nay dự án đã thỏa mãn cả 2 điều kiện cần và đủ. Cụ thể, tỷ lệ nợ công khá thấp 37% là dư địa tốt để huy động thêm khoảng 67 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Bên cạnh đó, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trục Bắc – Nam gia tăng, đáp ứng sự kết nối các tỉnh thành và giải quyết nút thắt logistic…
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý đây là dự án rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất.
Theo đó, đại biểu Cường đề nghị, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa, thay vì chỉ vận tải hàng hóa trong trường hợp cần thiết. “Điều này nhằm khai thác tối đa công suất của tuyến đường sắt, giúp tăng nguồn thu, tránh thua lỗ”, đại biểu Cường nêu.
Cùng với đó, ông đề nghị việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Lấy bài học triển khai các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM, đại biểu nêu rõ, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì không chỉ rủi ro về thời gian khi chưa biết hoàn thành lúc nào, vốn có thể đội lên bao nhiêu và nguy hại hơn sẽ lệ thuộc mãi mãi vào nhà cung cấp nước ngoài.