Vì sao Trư Bát Giới suy yếu khi theo Đường Tăng thỉnh kinh?
Từng là một thiên tướng oai phong với nhiều phép thuật lợi hại, thế nhưng khi theo Đường Tăng đi lấy kinh, Trư Bát Giới lại là một con người hoàn toàn khác.
Trư Bát Giới, một trong những nhân vật nổi tiếng của tiểu thuyết Tây du ký, từng là một thiên tướng oai phong, nắm giữ 8 vạn thủy binh thiên đình cùng nhiều phép thuật lợi hại. Thế nhưng, khi bị đày xuống hạ giới và trở thành đồ đệ của Đường Tăng trên hành trình thỉnh kinh, Trư Bát Giới lại hiện lên như một con người hoàn toàn khác: lười biếng, tham ăn, và thường xuyên thất bại trong việc đối phó với yêu quái. Từ một vị tướng có sức mạnh ngang ngửa Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới dần trở nên yếu thế, thậm chí nhiều lần suýt bị yêu quái giết chết. Vậy nguyên nhân nào đã khiến nhân vật này thay đổi đến vậy?
![Trư Bát Giới từ Thiên Bồng Nguyên Soái oai hùng lại trở nên yếu kém khi đi lấy kinh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_296_51475641/6dd8031a3154d80a8145.jpg)
Trư Bát Giới từ Thiên Bồng Nguyên Soái oai hùng lại trở nên yếu kém khi đi lấy kinh.
Tinh thần suy sụp sau khi bị đày xuống trần gian
Trư Bát Giới từng là Thiên Bồng Nguyên Soái, một vị tướng oai phong, lẫm liệt trên thiên đình. Tuy nhiên, do phạm lỗi khi say rượu và có hành vi không đúng mực với Hằng Nga, ông bị đày xuống trần gian và mang thân phận của một con lợn với khuôn mặt xấu xí. Sự sa ngã này đã khiến tâm lý của Trư Bát Giới thay đổi đáng kể. Ông không còn giữ được sự cố gắng, phấn đấu như trước mà trở nên u uất, buồn phiền, và thiếu đi sự năng nổ, hoạt bát vốn có.
Mục tiêu không rõ ràng
Mặc dù được Quán Thế Âm Bồ Tát thuyết phục đi theo Đường Tăng thỉnh kinh, Trư Bát Giới chỉ tuân theo mệnh lệnh một cách miễn cưỡng. Đối với Trư Bát Giới, việc tham gia vào đoàn thỉnh kinh không phải là mục tiêu chính mà chỉ là một nghĩa vụ bắt buộc. Ông luôn mong muốn được trở về với cuộc sống bình thường, có vợ đẹp và sống an nhàn. Chính vì vậy, mỗi khi đoàn thỉnh kinh gặp khó khăn, Trư Bát Giới thường là người đầu tiên đề nghị chia hành lý và quay trở lại Cao Lão Trang.
Sự ràng buộc của giới luật Phật môn
Việc gia nhập vào đoàn thỉnh kinh đồng nghĩa với việc Trư Bát Giới phải tuân theo những giới luật nghiêm ngặt của Phật môn. Điều này khiến ông cảm thấy bị gò bó và không còn tự do như trước. Trư Bát Giới vốn là người thích hưởng thụ, tham ăn, và lười biếng, nên việc phải tuân thủ các quy tắc khắt khe khiến ông không còn hứng thú với hành trình thỉnh kinh. Thay vì cố gắng vượt qua khó khăn, anh thường chọn cách né tránh và tìm cách thoát khỏi trách nhiệm.
Trư Bát Giới là một nhân vật đa diện, thể hiện rõ nét sự thay đổi từ một thiên tướng oai phong thành một người lười biếng, tham ăn, và thiếu quyết tâm. Sự sa ngã từ thiên đình, tâm lý u uất, và mục tiêu không rõ ràng đã khiến ông trở thành một nhân vật yếu thế trong đoàn thỉnh kinh. Tuy nhiên, chính những điểm yếu này lại tạo nên sự hài hước và gần gũi, giúp Trư Bát Giới trở thành một trong những nhân vật được yêu thích nhất trong Tây du ký.
Quốc Tiệp (t/h)