'Gia đình có bốn chị em gái': Cuốn tiểu thuyết hay về xã hội đương đại

Thời gian gần đây, rất nhiều bạn đọc quan tâm đến tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” của nhà văn nữ Phạm Thị Bích Thủy (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2024). Đặc biệt, từ khi được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2024, tác phẩm này càng được người đọc chú ý vì nội dung gắn liền với bức tranh của xã hội đương đại ở nước ta.

" hideclass src="http://www.baokhanhhoa.vn/file/e7837c02857c8ca30185a8c39b582c03/022025/sach_4_chi_em_20250213202932.jpg">

Gia đình ông Bình - bà Bằng sinh được bốn cô con gái và lần lượt được đặt tên với mơ ước tương lai con cái sẽ tốt đẹp là Hiền Thương, Thuận Ái, Khánh An, Bảo Yên. Nhưng lớn lên, mỗi người có một cuộc sống riêng gắn liền với bốn tính cách khác nhau để rồi dẫn tới những đố kỵ và bất hạnh. Nếu Hiền Thương suốt ngày lo vun vén cho gia đình, thèm khát vật chất đến tuyệt vọng thì Thuận Ái lười biếng lại thực dụng, coi người có tiền, có quyền là bạn tốt. Trong khi ấy, Khánh An luôn sống trung thực, chống lại mọi sự dựa dẫm, tránh xa các hành vi tha hóa diễn ra trong xã hội. Còn Bảo Yên là người luôn dựa theo thời cuộc với quan niệm mọi thứ rồi đâu sẽ vào đấy.

Bốn người bốn tính cách, ai cũng lo cho tổ ấm của gia đình mình theo cách riêng và điều này dẫn đến sự chênh lệch điều kiện sống giữa các gia đình. Sự rạn nứt từ đây đã xuất hiện và dần dần trở thành hố sâu ngăn cách họ bởi sự khác biệt về đời sống vật chất và sự thụ hưởng các quyền lợi xã hội. Cũng từ đây, lòng đố kỵ càng ngày càng nghiệt ngã, chuyển sang thù hận, đưa đến cái kết đầy đau đớn cho các thành viên của một gia đình mà các bậc cha mẹ bao năm tháng kỳ vọng qua những cái tên mình đặt cho từ bé: Thương - Ái - An - Yên.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy tỏ ra khá điêu luyện trong việc hòa quyện bốn nhân vật chính là bốn chị em ruột và gia đình họ thành một kết cấu tiểu thuyết chặt chẽ, trong đó tính cách những nhân vật chính được thể hiện rõ nét từ bé cho tới khi trưởng thành, đồng thời qua đó từng bước diễn tả quá trình dẫn tới bi kịch ở một gia đình vốn tốt đẹp. Nhưng thông điệp quan trọng của cuốn sách không dừng ở đó. Đọc “Gia đình có bốn chị em gái”, người đọc không khó để nhận ra rất nhiều điều đáng phê phán trong xã hội. Đó là sự bất bình đẳng và chủ nghĩa cơ hội, thực dụng trong văn hóa thân tộc theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”. Cùng với tham nhũng, bằng cấp giả, việc dựa dẫm, bao che trong bà con, dòng tộc đã trở thành vấn nạn, dẫn đến tình trạng người có tài thì không có công việc, còn những kẻ bất tài nhờ dựa vào mánh lới của người thân thì dễ dàng chui vào các cơ quan công quyền để rồi tiếp tục tạo vây cánh, vơ vét tiền của nhân dân, Nhà nước.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, từng là giảng viên văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1986 đến năm 2000. Từ năm 2000 đến nay, bà làm việc cho các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia và hiện là quản trị viên tại một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Trước tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái”, Phạm Thị Bích Thủy đã có một số tác phẩm xuất bản gồm: Tập truyện ngắn “Chạy trốn” (năm 2013), tiểu thuyết “Đồi cát bay” (năm 2014), Tiểu thuyết “Tiếng sáo lạc”“Đáy giếng” (năm 2015), tập truyện ngắn “Zero” (năm 2017).

TRẦN NINH THỌ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202502/gia-dinh-co-bon-chi-em-gai-cuon-tieu-thuyet-hay-ve-xa-hoi-duong-dai-d477160/
Zalo