Vì sao người xưa chỉ gọi 'con gái rượu' mà không gọi 'con trai rượu'?

Trong kho tàng ngôn ngữ dân gian Việt Nam, cụm từ 'con gái rượu' được dùng để chỉ những cô con gái được cha mẹ, đặc biệt là người cha, hết mực yêu quý. Điều thú vị là không ai gọi 'con trai rượu', dù rượu vốn gắn liền với hình ảnh nam giới. Vì sao lại như vậy?

Một cách lý giải dân dã cho rằng, các ông bố thường sai con đi mua rượu, mà con gái lại thường ngoan ngoãn, sẵn lòng giúp đỡ, không như con trai hay trốn tránh, thậm chí "nếm thử" rượu của bố. Hình ảnh người cha ngồi đợi con gái mang rượu về, dần gắn liền với sự trân quý, yêu thương – và từ đó, "con gái rượu" ra đời.

Tuy nhiên, câu chuyện phía sau cụm từ này còn sâu sắc và giàu chất văn hóa hơn thế.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo một số học giả, "con gái rượu" có thể bắt nguồn từ khái niệm "nữ nhi tửu" trong văn hóa Trung Hoa cổ. Điển tích được ghi lại trong Nam phương thảo mộc trạng của danh sĩ Kê Hàm (thời Tấn) kể rằng, tại các gia đình khá giả, khi sinh con gái, người ta nấu rượu nếp, ủ kín trong hũ, đem chôn. Đến ngày con gái lấy chồng, rượu được đào lên đãi khách – một thứ rượu quý mang tên nữ nhi tửu. Loại rượu này không chỉ ngon nhờ thời gian ủ lâu, mà còn mang giá trị tinh thần, là kết tinh của sự kỳ vọng và yêu thương con cái.

Một giai thoại nổi tiếng ở Thiệu Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc) kể về một người thợ may đã ủ rượu mừng khi vợ mang thai, hy vọng sinh con trai. Nhưng khi vợ sinh con gái, ông thất vọng, đem chôn những hũ rượu dưới gốc cây trong vườn. Nhiều năm sau, con gái lớn lên thành người khéo léo, hiếu thảo, khiến ông vô cùng tự hào. Trong lễ cưới của cô, ông đào rượu lên đãi khách – và bất ngờ, rượu ngon đến mức mọi người đều tán thưởng. Từ đó, nữ nhi tửu trở thành truyền thống tại vùng này. Mỗi khi gia đình có con gái, họ lại ủ rượu, chờ ngày con đi lấy chồng mang ra đãi tiệc.

Ngược lại, rượu dành cho con trai lại không được gọi là “nam nhi tửu” mà có tên khác là trạng nguyên hồng, dùng trong lễ trưởng thành hay vinh quy bái tổ.

Từ những điển tích và phong tục này, cụm từ “con gái rượu” dần được dùng để ví von những cô con gái quý như rượu ngon được ủ kỹ – quý giá cả về vật chất lẫn tinh thần. Nó không chỉ là biểu hiện của tình cha con, mà còn là biểu tượng cho sự nâng niu, kỳ vọng, và tình cảm sâu nặng của cha mẹ.

Trong văn hóa phương Đông, người đàn ông gắn liền với rượu – “nam vô tửu như kỳ vô phong” (đàn ông không rượu như cờ không gió). Vậy mà, chính rượu lại trở thành hình ảnh ẩn dụ để diễn tả tình cảm của người cha dành cho con gái – điều đó đủ cho thấy, với ông bố, con gái là thứ “rượu quý” không gì sánh được.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/vi-sao-nguoi-xua-chi-goi-con-gai-ruou-ma-khong-goi-con-trai-ruou/20250511040715440
Zalo