Bệnh não mô cầu lây lan như thế nào?
Khi phát hiện ca bệnh não mô cầu, ngành y tế triển khai khoanh vùng, giám sát người tiếp xúc gần, cấp thuốc dự phòng và hướng dẫn vệ sinh, khử khuẩn môi trường.

Não mô cầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi trùng Nesseria meningitidis gây ra. Ảnh: Adelaidenow.
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết thời gian gần đây trên địa bàn thành phố phát hiện một số ca bệnh não mô cầu. Khi phát hiện ca bệnh não mô cầu, ngành y tế triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng, điều tra dịch tễ nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ được lập danh sách, theo dõi sức khỏe trong vòng 7-10 ngày. Đồng thời, họ sẽ được uống kháng sinh dự phòng, được hướng dẫn cách tự theo dõi triệu chứng để đến cơ sở y tế khi cần thiết.
Trong thời gian theo dõi, người tiếp xúc gần vẫn có thể đi học, đi làm bình thường nhưng cần tuân thủ nghiêm các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho, không dùng chung vật dụng ăn uống. Ngành y tế cũng sẽ phối hợp cùng người dân thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn nhà ở, lớp học, ký túc xá và nơi làm việc của bệnh nhân; tăng cường lau chùi bề mặt, đảm bảo thông thoáng không khí tại các khu vực liên quan.
Do bệnh lây qua giọt bắn, người được xác định là tiếp xúc gần bao gồm các trường hợp sống chung nhà, cùng phòng trọ, làm việc gần với bệnh nhân hoặc có tiếp xúc nước bọt như dùng chung ly, đũa, hôn, sơ cứu qua đường miệng. Thời điểm tiếp xúc được tính từ 7 ngày trước khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng đến 24 giờ sau khi người bệnh bắt đầu dùng kháng sinh điều trị.
Theo bác sĩ Yến, việc uống kháng sinh dự phòng là biện pháp quan trọng giúp tiêu diệt vi khuẩn có thể đang tồn tại trong vùng họng của người tiếp xúc gần, từ đó ngăn ngừa nguy cơ phát bệnh và hạn chế lây lan cho người khác. Tuy nhiên, người dân không nên tự ý mua thuốc về sử dụng.
Việc dùng kháng sinh cần có chỉ định của nhân viên y tế để tránh tình trạng kháng thuốc hoặc gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Nếu được xác định là tiếp xúc gần, người dân sẽ được cấp phát thuốc miễn phí.
Trong trường hợp người thân mắc bệnh não mô cầu, người dân cần bình tĩnh phối hợp với cơ quan y tế trong khai báo và theo dõi, nhằm xác định nguy cơ phơi nhiễm và thực hiện đúng các hướng dẫn phòng bệnh. Bác sĩ Yến nhấn mạnh, sự hợp tác kịp thời và chủ động của người dân là yếu tố then chốt trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.