Vì sao Mỹ không nên vội áp thuế với Việt Nam?

Việc tạm hoãn áp thuế với Việt Nam sẽ giảm các tác động không mong muốn cho chính nước Mỹ và không nằm ngoài tiến trình 'đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại'.

Mức thuế đối ứng khiến ai nấy đều ngỡ ngàng, lên đến 46%, mà chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp lên hàng hóa Việt Nam dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 9-4 (theo giờ Mỹ).

Tại Việt Nam (VN), doanh nghiệp (DN) Mỹ bày tỏ lo lắng hơn bao giờ hết. Điều đó thể hiện một cách khá đầy đủ, vừa có lý vừa có tình trong bức tâm thư của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã gửi đến bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nhằm đề nghị tạm hoãn việc áp thuế đối ứng mức 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ VN. Nỗi lo của các DN, nhà đầu tư còn thể hiện rõ trên các bảng điện tử chứng khoán ở cả Mỹ, VN và khắp các nước châu Á khi màu đỏ chiếm chủ đạo, cảnh báo sự suy giảm kỷ lục trong nhiều thập niên qua.

Vì sao DN của cả hai nước Mỹ và VN lo lắng? Câu trả lời đã được các chuyên gia, báo chí - truyền thông mổ xẻ trong suốt vài ngày qua. Có thể tóm tắt thành mấy điểm chính: Thời gian áp thuế quá gấp, mức thuế quá cao nên các DN không thể xoay xở kịp; việc áp thuế không chỉ khiến DN xuất khẩu VN chịu thiệt, mà cả các DN đang làm ăn ở VN (và xuất khẩu hàng hóa về Mỹ) cũng gặp khó, trong khi người tiêu dùng Mỹ lo ngại có thể phải chi tiêu nhiều hơn cho hàng “Made in Vietnam”, kéo theo nỗi lo về lạm phát gia tăng đã được các chuyên gia cảnh báo. Đó là chưa kể những tổn thương “rất đáng tiếc” vốn có thể tránh với quan hệ VN - Mỹ, hiện đang ở giai đoạn rực rỡ với những thành tựu vượt trội trong mấy chục năm qua.

Những tổn thương “rất đáng tiếc” có thể tránh là gì?

Thứ nhất, việc tạm hoãn áp thuế 45 ngày như đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 7-4, hay thậm chí tạm hoãn đến 90 ngày như nhiều chuyên gia Mỹ đề xuất, thực tế không tạo ra các áp lực hay thiệt hại đối với các mục tiêu mà kế hoạch áp thuế của ông Trump muốn đạt được. Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các quốc gia đàm phán dựa vào các con số đưa ra ban đầu (mà với VN là 46%).

Việc này đòi hỏi đội ngũ giúp việc của Chính phủ hai nước phải ngồi lại, cùng xem xét danh mục các loại hàng xuất nhập khẩu; tính toán các dư địa; tìm ra các con số và lộ trình phù hợp nhất. Nói nôm na, ngay cả khi VN sẵn sàng đàm phán đưa mức thuế về mốc 0% thì quá trình đàm phán ấy với phía Mỹ không đơn thuần dừng ở việc đặt ra những con số, mà cần được tính toán thận trọng với các thông số mang tính kỹ thuật để đảm bảo mục tiêu cuối cùng của đàm phán là đôi bên cùng có lợi (win-win), DN, người dân hai nước hưởng lợi.

Thứ hai, một số chính trị gia Mỹ, DN Mỹ và chuyên gia Mỹ cũng kỳ vọng chính quyền Tổng thống Trump dù khẩn trương nhưng cần thận trọng trong mối quan hệ với VN trong giai đoạn hiện nay. Năm 2025 kỷ niệm 30 năm ngày hai nước bình thường hóa quan hệ, một cột mốc đáng nhớ để các nhà lãnh đạo song phương tìm đến một thỏa thuận tích cực nhất cho DN và người dân hai nước trong bối cảnh thế giới đang diễn ra nhiều biến động, cạnh tranh địa chiến lược gia tăng. Việc Mỹ - VN cùng ngồi lại đàm phán, dàn xếp lại mô hình làm ăn giữa hai quốc gia sẽ là hành động cụ thể nhất để hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai bên thiết lập hơn một năm qua, vốn còn rất nhiều dư địa để Mỹ và VN cùng khai thác trong thời gian tới.

Trong bối cảnh phía trước vẫn còn không gian rộng để Mỹ - VN đàm phán, gia tăng lợi ích thực tế cho DN, người dân cả hai nước, trong khi việc áp thuế ngay bị cảnh báo có thể đem đến những tác động không mong muốn cho chính nước Mỹ, thì việc tạm hoãn áp thuế trong vài chục ngày không nằm ngoài tiến trình “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/vi-sao-my-khong-nen-voi-ap-thue-voi-viet-nam-post843264.html
Zalo