Tọa đàm về Đề án 01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao
Sáng ngày 18/4, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh tổ chức tọa đàm 'Tổ chức Khuyến nông cộng đồng, Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) trong triển khai thực hiện Đề án 01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp' (Đề án).

Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh phát biểu khai mạc tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Huỳnh Thị Kim Định, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn; Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh; đại diện Trung tâm Khuyến nông của 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và trên 100 nông dân đại diện các HTX, THT trong tham gia Đề án tại Trà Vinh.

TS Hoàng Tuyển Phương, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) trình bày vai trò Khuyến nông trong thực hiện Đề án.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các địa phương cùng các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các chuyên gia quốc tế để xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV) phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đã xây dựng và ban hành Quy trình và Sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” thực hiện Đề án.
Đã triển khai 07 mô hình thí điểm cấp trung ương tại 05 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2 - 24,2% nhờ giảm 30 - 50% lượng giống, tiết kiệm 30 - 70kg phân bón/ha, giảm 01 - 04 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30 - 40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4 - 7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12 - 50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 02 - 12 tấn CO₂ tương đương/ha. Toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200 - 300 đồng/kg lúa, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.
Riêng tỉnh Trà Vinh, thực hiện Đề án trong vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025: xuống giống diện tích 883,72ha, vượt 20,88% kế hoạch, gồm: 02 mô hình điểm với diện tích 98,4ha. Mô hình nhân rộng: có 14 HTX tham gia/785,32ha.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ thực tế trong sản xuất lúa vẫn chủ yếu dựa vào phương thức canh tác truyền thống, với các tập quán canh tác lâu đời nhưng chưa được tối ưu hóa theo hướng bền vững; đã dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

Ông Phùng Duy Truyền, Phó giám đốc HTX nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo, huyện Châu Thành) kiến nghị cần nhân rộng Đề án.
Trong thời gian qua, vai trò lực lượng khuyến nông cộng đồng, các HTX nông nghiệp và THT chính là những mắt xích then chốt, đóng vai trò cầu nối giữa chủ trương chính sách và hoạt động thực tiễn trên đồng ruộng; giúp truyền tải kiến thức, kỹ thuật đến nông dân, mà còn tham gia tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết, điều phối chuỗi giá trị và thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy vai trò của các tổ chức này vẫn chưa được phát huy đầy đủ. Lực lượng khuyến nông cộng đồng phần lớn chưa có cơ chế công nhận chính thức, hoạt động còn mang tính tự phát hoặc kiêm nhiệm. Các HTX nông nghiệp và THT vẫn gặp nhiều khó khăn về năng lực quản trị, cơ sở vật chất, tiếp cận vốn và liên kết thị trường.

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) đề xuất có chính sách tín dụng và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với quy mô HTX.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất một số nội dung, như: trong sản xuất, HTX gặp khó khi sử dụng ứng dụng quản lý đồng ruộng để ghi chép và theo dõi lịch canh tác cần đơn giản hơn; liên kết với doanh nghiệp vẫn còn rời rạc, chưa bền vững, trong khi HTX khó tiếp cận vốn để đầu tư thiết bị, kho sấy, nhà sơ chế; đề xuất có chính sách tín dụng và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với quy mô HTX.
Hiện nay, nhiều nông dân còn e ngại trong tham gia mô hình của Đề án, nông dân còn gặp khó về nguồn vốn; về xây dựng tín chỉ Carbon, mong ngành chuyên môn cần tổ chức tập huấn để nông dân trong Đề án nắm bắt được quy trình. Vai trò Khuyến nông cộng đồng hiện còn nhiều khó khăn, chưa có tính pháp nhân, quy chế hoạt động; Tổ khuyến nông cộng đồng nên hoạt động độc lập, gắn với HTX…

Đồng chí Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (giữa) giải trình các nội dung được đại diện HTX, nông dân kiến nghị.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn… đã giải trình các kiến nghị, đề xuất của các HTX, nông dân và đánh giá toàn diện cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức này trong việc triển khai hiệu quả Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp.