Vì sao không nên lạm dụng thuốc xịt mũi trị viêm xoang?

Thuốc xịt mũi xoang được nhiều người sử dụng để làm dịu nhanh những triệu chứng liên quan đến viêm. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc có thể gây tổn thương niêm mạc mũi, lệ thuộc thuốc...

1. Viêm xoang là gì?

Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng xảy ra tại lớp niêm mạc lót trong các hốc xoang, những khoang rỗng nằm bên trong xương sọ, bao quanh vùng mũi, trán, hai bên má và phía sau mắt. Khi xoang bị tắc nghẽn do các yếu tố như nhiễm khuẩn, dị ứng, bụi bẩn... dịch nhầy không được thoát ra ngoài, dẫn đến ứ đọng. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và gây viêm.

Tùy theo vị trí tổn thương, viêm xoang có thể xảy ra ở các xoang hàm, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm.

Nghẹt mũi, sổ mũi ... là những triệu chứng điển hình của viêm xoang.

Nghẹt mũi, sổ mũi ... là những triệu chứng điển hình của viêm xoang.

2. Các biện pháp điều trị viêm xoang

Điều trị viêm xoang thường kết hợp giữa việc dùng thuốc và các biện pháp hỗ trợ. Trong đó, thuốc thường dùng bao gồm thuốc xịt mũi (corticosteroid tại chỗ, thuốc co mạch, dung dịch nước muối), kháng sinh (nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn), thuốc kháng histamin...

Ngoài ra, người bệnh được khuyến khích thực hiện các biện pháp như rửa mũi bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể và tránh tiếp xúc với khói bụi, dị nguyên... Với các trường hợp viêm xoang kéo dài hoặc có polyp, có thể cần can thiệp phẫu thuật nội soi.

3. Lạm dụng thuốc xịt mũi điều trị viêm xoang là con dao hai lưỡi

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc xịt mũi xoang phổ biến như thuốc co mạch (xylometazoline, oxymetazoline), thuốc corticosteroid tại chỗ (fluticasone, budesonide), dung dịch nước muối sinh lý và các sản phẩm chứa tinh dầu thảo dược... Mỗi loại thuốc có công dụng và giới hạn sử dụng khác nhau, nhưng nếu lạm dụng, đặc biệt là thuốc xịt co mạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

- Sử dụng kéo dài dễ dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc: Cơ chế hoạt động của thuốc co mạch là làm co các mạch máu ở niêm mạc mũi, giúp thông thoáng đường thở tạm thời. Tuy nhiên, khi dùng quá 5–7 ngày liên tục, niêm mạc mũi bắt đầu "nhờn thuốc", dẫn đến hiện tượng nghẹt mũi tái phát ngay sau khi ngừng sử dụng. Đây là biểu hiện điển hình của "viêm mũi do thuốc". Người bệnh lúc này buộc phải sử dụng thuốc thường xuyên hơn để duy trì khả năng hô hấp, tạo thành vòng xoắn phụ thuộc rất khó điều trị.

- Lạm dụng thuốc xịt gây tổn thương niêm mạc mũi: Tình trạng khô rát, chảy máu cam, viêm mạn tính hoặc teo niêm mạc có thể xảy ra nếu thuốc được sử dụng không đúng hướng dẫn. Khi niêm mạc mất đi lớp bảo vệ tự nhiên, bệnh viêm xoang không những không khỏi mà còn có xu hướng tiến triển nặng hơn.

- Phản ứng phụ: Một số hoạt chất trong thuốc xịt, dù dùng tại chỗ vẫn có khả năng hấp thu vào tuần hoàn máu và gây ra tác dụng phụ toàn thân như tăng huyết áp, tim đập nhanh, bồn chồn, mất ngủ, đau đầu... Những phản ứng này đặc biệt nguy hiểm ở người cao huyết áp, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Thuốc xịt mũi trị viêm xoang mang lại hiệu quả nhanh trong việc làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, nhưng không nên sử dụng tùy tiện.

Thuốc xịt mũi trị viêm xoang mang lại hiệu quả nhanh trong việc làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, nhưng không nên sử dụng tùy tiện.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc xịt mũi trị viêm xoang

Thuốc xịt co mạch không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi nếu không có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ. Người bệnh cũng không nên kết hợp cùng lúc nhiều loại thuốc xịt nếu không được chuyên gia y tế hướng dẫn.

Nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương vẫn được khuyến nghị là lựa chọn an toàn để làm sạch mũi. Với thuốc xịt corticosteroid, cần sử dụng theo chỉ định để đạt hiệu quả kháng viêm lâu dài.

Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh cần kiểm soát các yếu tố gây kích ứng như khói bụi, phấn hoa, lông động vật. Việc điều trị các bệnh nền đi kèm như hen suyễn, lệch vách ngăn, polyp mũi cũng rất cần thiết để kiểm soát viêm xoang hiệu quả. Kháng sinh chỉ nên được sử dụng khi có dấu hiệu nhiễm trùng rõ rệt và theo chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại, thuốc xịt mũi trị viêm xoang mang lại hiệu quả nhanh trong việc làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, nhưng không nên sử dụng tùy tiện. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng, tránh lạm dụng kéo dài. Bên cạnh đó, việc phối hợp điều trị toàn diện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ là chìa khóa giúp cải thiện tình trạng viêm xoang.

Mời xem thêm video được quan tâm:

6 loại nước ép hỗ trợ giảm triệu chứng viêm xoang I SKDS

DS. Lê Thanh Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-khong-nen-lam-dung-thuoc-xit-mui-tri-viem-xoang-169250524225453771.htm
Zalo