Vì sao doanh nghiệp vẫn loay hoay lắp đặt điện mặt trời mái nhà?

Mặc dù chủ trương đã rõ, chính sách đã có nhưng doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Doanh nghiệp loay hoay, không biết áp dụng theo quy định nào, trong khi nhu cầu giảm chi phí điện, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo là rất cấp thiết.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” diễn ra chiều 15/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 419 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, 381 khu đang hoạt động; cùng khoảng 900 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó hơn 700 cụm đã đi vào hoạt động, với tổng số hơn 40.000 doanh nghiệp.

Với diện tích mái nhà xưởng lớn và nhu cầu tiêu thụ điện tập trung cao, tiềm năng điện mặt trời áp mái trong KCN là rất đáng kể. Một số ước tính cho thấy tiềm năng kỹ thuật có thể đạt 12–20 GWp, tương đương công suất của trên 10 nhà máy nhiệt điện than quy mô lớn – nguồn điện xanh ngay trong lòng các khu công nghiệp.

Các đại biểu tham dự diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”.

Các đại biểu tham dự diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”.

Theo ông Trung, điện mặt trời áp mái không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng và nâng cao hình ảnh thương hiệu, mà còn góp phần giảm tải lưới điện, ổn định cung ứng và bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt khi điện mặt trời phát vào ban ngày – thời điểm cao điểm sản xuất.

Chính phủ đã ban hành các nghị định quan trọng như Nghị định 57/2025/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), và Nghị định 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai điện mặt trời mái nhà.

“Mặc dù chủ trương đã rõ, nhưng doanh nghiệp trong KCN chưa thể lắp đặt hệ thống do thiếu quy định cụ thể, thủ tục còn rối rắm, thiếu hướng dẫn rõ ràng từ các bộ ngành. Doanh nghiệp không biết áp dụng theo quy định nào, trong khi nhu cầu giảm chi phí điện, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo là rất cấp thiết”, ông Phòng nhận định.

Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp trong KCN chưa thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái do thiếu quy định cụ thể.

Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp trong KCN chưa thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái do thiếu quy định cụ thể.

Từ thực tế triển khai tại các KCN phía Bắc, ông Đỗ Quang Thịnh – Giám đốc vận hành điện, Công ty Nam Tài Green Energy cho rằng, cơ chế DPPA trong Nghị định 57 hiện chỉ áp dụng với khách hàng tiêu thụ từ 200.000 kWh/tháng, gây thiệt thòi cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn cũng cần sử dụng điện xanh để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tối ưu chi phí.

Bên cạnh đó, việc áp dụng khung giá phát điện cho điện mặt trời mái nhà (Solar rooftop) tương tự điện mặt trời trang trại (Solar farm) là không hợp lý, do quy mô và chi phí đầu tư khác biệt.

“Dự án nhỏ bị thiệt vì giá thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, chỉ các công ty thành viên EVN được phép mua điện dư cũng là một rào cản. Theo ông Thịnh, cần cho phép cả các đơn vị phân phối điện ngoài EVN đủ năng lực được tham gia, tránh lãng phí và tạo thêm lợi ích cho nhà đầu tư.

Ông Phan Công Tiến – Chuyên gia năng lượng từ Viện nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể triển khai mô hình tự sản – tự tiêu do không đạt được thỏa thuận với đơn vị quản lý KCN, dù Nghị định 58 đã nêu rõ cần tạo điều kiện cho khách hàng. Ông đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể về chia sẻ chi phí lưới điện và chính sách ưu tiên lắp đặt điện mặt trời trong KCN.

Ngoài ra, quy định giới hạn công suất hệ thống không vượt quá phụ tải cực đại (Pmax) làm giảm hiệu quả đầu tư. Do điện mặt trời phụ thuộc thời tiết, doanh nghiệp thường lắp vượt công suất để tích trữ điện dùng lúc nắng yếu hoặc ban đêm.

“Hệ thống hiện đã có thiết bị chống phát ngược nên không gây ảnh hưởng lưới. Do đó, cần xem xét bỏ quy định giới hạn công suất theo Pmax để tăng hiệu quả và khả năng tự chủ năng lượng”, ông Tiến kiến nghị.

Với hai Nghị định 57 và Nghị định 58, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm một số nội dung như áp giá trần, giới hạn công suất hệ thống xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện để các ngành được hưởng lợi.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, với quy mô công nghiệp, khoảng 1.000 nhà máy thủy sản hiện nay dù quy mô lớn hay nhỏ đều phải thực hiện cấp đông nên chi phí năng lượng rất lớn. Theo thống kê, chi phí điện nằm trong top 4 các khoản chi phí lớn của doanh nghiệp thủy sản. Do đó, các doanh nghiệp đều mong muốn đầu tư hệ thống điện ổn định, tiết kiệm chi phí như điện mặt trời mái nhà.

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch năng lượng, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: “Nếu chính sách đi đúng hướng và có hướng dẫn thống nhất sớm, doanh nghiệp hoàn toàn có thể trở thành lực lượng tiên phong trong xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững và có sức chống chịu tốt hơn trước thách thức toàn cầu”.

Thu An

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/vi-sao-doanh-nghiep-van-loay-hoay-lap-dat-dien-mat-troi-mai-nha/20250515042732620
Zalo