Vì sao chưa hỗ trợ tiền cho người mua ô tô điện?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc hỗ trợ hay không phải phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước. Không thể hỗ trợ tiền cho người mua ô tô trong khi còn rất nhiều người đi xe máy.

Việc hỗ trợ còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế

Phát biểu tại Hội thảo "Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến" diễn ra tại Hà Nội, bà Trần Thị Bích Ngọc, Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, các chính sách thuế hiện nay không phải chỉ thu cho thật nhiều thuế mà là để doanh nghiệp phát triển.

Nguồn thu muốn bền vững thì các doanh nghiệp phải phát triển. Vì vậy, từ trước đến giờ lĩnh vực công nghiệp ô tô rất được quan tâm, phát triển.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thuế TTĐB với xe điện rất thấp, gần như ở mức không thu.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thuế TTĐB với xe điện rất thấp, gần như ở mức không thu.

Theo bà Ngọc, một số chính sách ưu đãi cho ô tô điện nổi bật như: đưa chương trình ưu đãi với ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong đó có ngành ô tô điện (doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện phụ tùng trong nước chưa sản xuất được sẽ được miễn thuế nhập khẩu). Ngoài ra các ngành công nghiệp phụ trợ cũng có nhiều chính sách.

Về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), chúng tôi cũng đã trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành năm 2024. Thuế TTĐB với xe điện rất thấp, có thể nói ở mức gần như không thu. Cụ thể với xe điện, thuế TTĐB ở mức 1%, 2% hoặc 3% tùy theo số chỗ ngồi áp dụng từ 1/3/2022 – 28/2/2027. Sau đó, mức sẽ từ 4-11%. Trong khi đó, đối với xe chạy nhiên liệu hóa thạch cùng loại, thuế TTĐB đang từ 35-150%.

Ngoài ra với lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu với ô tô điện và 2 năm tiếp theo giảm 50%. Còn với xe nhiên liệu hóa thạch giữ nguyên từ 10-12%.

"Có thể thấy các mức ưu đãi với xe điện hiện đang rất cao, không thấp hơn mức ưu đãi so với các nước trong khu vực. Cũng có ý kiến nói rằng thuế ở Thái Lan có vẻ ưu đãi hơn với xe điện nhập khẩu nguyên chiếc. Nhưng Việt Nam đã có doanh nghiệp sản xuất lắp ráp rồi nên chúng ta cần bảo hộ để các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước phát triển. Vì thế mà với xe nhập khẩu, cần có chính sách để thuế nhập khẩu ở mức cao nhất thì mới phát triển bền vững", bà Ngọc chia sẻ thêm.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô điện nếu nằm ở khu công nghiệp thì máy móc, thiết bị đầu tư cũng được miễn thuế nhập khẩu; tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, các loại thuế phí cũng được ưu đãi mức cao nhất.

Về câu hỏi: "Có nên hỗ trợ tiền cho người mua xe điện như một số nước?", bà Ngọc cho biết: "Tôi nghe có ý kiến có quốc gia hỗ trợ 100 triệu đồng cho người mua ô tô điện. Tôi nghĩ rằng 30 triệu đã mua được một chiếc xe máy. Vậy nên nếu hỗ trợ 100 triệu cho người mua ô tô thì những người đi xe máy có thể nói rằng 100 triệu đó có thể mua được 3 cái xe máy cho những người chưa có điều kiện mua ô tô. Vậy tại sao lại hỗ trợ 100 triệu cho người mua ô tô trong khi tôi không có điều kiện lại không được hỗ trợ mua xe máy. Việc hỗ trợ còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của Việt Nam".

Ưu đãi cho xe điện không kém các nước

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, tại Quyết định 876, các mốc chuyển đổi sang xe điện rất cụ thể. Tới năm 2040 ô tô lắp ráp, nhập khẩu mới trong nước sẽ không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không phát thải khí nhà kính. Khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT chủ yếu là CO2.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó vụ trưởng Vụ KHCN và MT (Bộ GTVT) đánh giá, chuyển đổi năng lượng trong ngành GTVT là một vấn đề ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Bởi tính đời sống xã hội của vấn đề giao thông liên quan tới tất cả các Bộ ngành. Quyết định 876 là một trong những chính sách xương sống để triển khai, hướng tới phát thải ròng bằng 0 trong lĩnh vực giao thông, để các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Theo số liệu, năm 2019, cả năm Việt Nam nhập khẩu chỉ có 8 ô tô điện. Nhưng chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng ô tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu đã lên tới 37.000 xe. Nâng tổng số xe điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu trong nước lên khoảng 68.000 xe. Từ đó thấy vấn đề liên quan đến chính sách, thúc đẩy để hỗ trợ.

"Trong những năm qua, chúng ta có rất nhiều chính sách như thuế tiêu thụ đặc biệt với xe thuần điện cũng được đưa hẳn vào Luật thuế TTĐB. Hay về lệ phí trước bạ và các vấn đề liên quan đến công nghệ cao, sản xuất pin, trạm sạc… cũng được đưa vào danh mục ưu đãi đầu tư.

"Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, đánh giá và nhận thấy Việt Nam là một trong những nước có chính sách ưu tiên phát triển phương tiện giao thông xanh cũng cao so với các nước trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước có cam kết hướng tới giao thông xanh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cần có sự phối hợp giữa hai phía, từ cả doanh nghiệp, người dân lẫn chính sách. Bộ GTVT tới đây cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành để nghiên cứu đề xuất một cách tổng thể theo các kiến nghị của doanh nghiệp để có báo cáo Thủ tướng các chính sách thời gian tới như thế nào", ông Tiến nói thêm.

Cẩm Tú

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/vi-sao-khong-ho-tro-tien-cho-nguoi-mua-o-to-dien-192240829145241844.htm
Zalo