Vì sao 11 đời vua Nguyễn không lập ngôi hoàng hậu?

Thời vua Minh Mạng trở đi, hậu cung triều Nguyễn đều để trống ngôi vị hoàng hậu, chỉ ban tước cao nhất là hoàng quý phi.

Vào năm 1836, vua Minh Mạng chia các phi tần trong hậu cung làm 9 bậc gọi là cửu giai (chữ giai nghĩa là đẹp), bậc cao nhất là nhất giai. Cao hơn cả cửu giai là hoàng quý phi, rồi đến hoàng hậu. Nhưng thực tế vua Minh Mạng chưa lập ai làm hoàng hậu.

Một số sử sách cho rằng, ngôi vị này để trống để đợi đức hiền, nhưng cho đến hết đời vua Minh Mạng cũng không tìm thấy ai.

Về việc tìm không được người làm hoàng hậu, sách Quốc sử di biên của Thám hoa Phan Thúc Trực có ghi chép rằng: "Chính cung húy Kiều, con gái doanh tượng quan chưa có con, đệ nhị cung húy Hinh là con gái Lê Tông Chất. Có lần, vua hơi se mình, chính cung cùng đệ nhị cung cùng đi cầu đảo ở chùa Thiên Mạc (Thiên Mụ). Nhị cung nói rằng: “Nếu đắc tội với trời, thì cầu đảo vào đâu được”. Đến lúc vua khỏi, chính cung đem câu nói ấy, tâu với vua. Vua giận lắm! Cho nên, ngôi hoàng hậu vẫn để trống bàn mãi không định được".

Từ thời vua Minh Mạng trở đi, hậu cung triều Nguyễn đều để trống ngôi vị hoàng hậu, chỉ ban tước cao nhất là hoàng quý phi. (Ảnh minh họa)

Từ thời vua Minh Mạng trở đi, hậu cung triều Nguyễn đều để trống ngôi vị hoàng hậu, chỉ ban tước cao nhất là hoàng quý phi. (Ảnh minh họa)

Nếu theo lời trong cuốn sách, việc vua Minh Mạng không lập hoàng hậu bởi không tìm được người vừa ý, chứ không đưa ra lệ không lập hoàng hậu, cũng không có ý chỉ nào truyền lại các đời sau không được lập. Cũng có một vài lý do cho rằng, vua có ý định sắc phong hoàng hậu nhưng không kịp. Như ở đời Thiệu Trị, vua định lập quý phi Phạm Thị Hằng làm hoàng hậu nhưng chưa kịp sắc phong.

Sách Đại Nam liệt truyện có ghi: "Đến khi vua gần mất, mọi việc về sau, đều dặn dò ủy thác cho Hậu. Lại diện dụ các quan rằng: Quý phi là nguyên phối (vợ cả) của trẫm, là người phước đức hiền minh, giúp ta coi công việc trong cung cấm đã 7 năm. Nay ý trẫm muốn sách lập làm hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc vì việc không làm kịp mà thôi".

Các vua sau này (Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định) cũng không lập hoàng hậu, vì không chắc những phi tần này có đức hạnh cao hơn để xứng đáng được ở ngôi vị này. Đến đời vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng nhà Nguyễn, luật lệ này mới được phá vỡ.

Để cưới được Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ, vua Bảo Đại phải chấp nhận tất cả các yêu cầu như bỏ hết các phi tần để sống chế độ một vợ một chồng. Sau đám cưới, Nguyễn Hữu Thị Lan được phong làm Nam Phương hoàng hậu. Bà cũng là hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Về việc này, cuốn sách Nhà Nguyễn và những vấn đề lịch sử có ghi: “Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và các vua kế vị không tuyên phong hoàng hậu không xuất phát từ một tiền lệ nào cả, đơn giản vì các ngài chưa tìm được người xứng đáng để đưa vào ngôi vị này, hoặc chưa đến lúc cần làm việc đó. Một hậu duệ của các ngài là vua Bảo Đại vẫn đường hoàng tấn phong Nam Phương Hoàng hậu mà đâu cần một sự phá lệ nào”.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-11-doi-vua-nguyen-khong-lap-ngoi-hoang-hau-ar920333.html
Zalo