Vì những giá trị văn hóa truyền thống
Tính từ ngày ra mắt (31/3/2021) đến nay, tuy chưa tròn một nhiệm kỳ 5 năm, nhưng cũng đủ để cho các thành viên Chi hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam TP. Huế nhìn lại một chặng đường đáng tự hào.

Các hội viên Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam TP. Huế tổ chức điền dã
Từ những công trình được phục dựng
Năm 2021, Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam TP. Huế bằng nguồn xã hội hóa đã xuất bản tập san “Ngọn núi xanh” (Nhà Xuất bản Đại học Huế), dày 170 trang, với sự tham gia của các tác giả là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, họa sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh đến từ Huế, Hà Nội, Gia Lai và Đắk Lắk. Đáng trân quý ở trong tập san này là sự đóng góp bài viết của các hội viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, như TS. Kê Sửu - dân tộc Tà Ôi; Nghệ nhân ưu tú Ta Dư Tưr, dân tộc Pa Cô... Họ là người trao truyền, làm cầu nối đưa văn nghệ các dân tộc thiểu số TP. Huế hòa chung với vườn hoa văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Năm 2025, Chi hội tiếp tục xuất bản tập san “Ngọn núi xanh” (Nhà Xuất bản Thuận Hóa), dày 100 trang, phát hành trong cả nước. Năm 2024, Chi hội giúp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới xuất bản một ấn phẩm hay, đó là “Tập bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương A Lưới”. Tập bài hát có nội dung ngợi ca và niềm tin tưởng sắt son của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu; bên cạnh đó, cũng có những bài hát về quê hương A Lưới hôm nay.
Năm 2022, Chi hội giúp UBND huyện A Lưới xuất bản tập “Cẩm nang ẩm thực 100 món ăn độc đáo nơi miền cao A Lưới” (Nhà Xuất bản Thuận Hóa). Sách giới thiệu ẩm thực đặc trưng: Nhóm booth (nướng), nhóm hoor (thu ống), nhóm uh (luộc), nhóm a ham hooh (huyết tái)… Trong giới thiệu các món ăn, sách lần lượt giới thiệu hình ảnh của món ăn do nghệ nhân chế biến; tên gọi theo tiếng các đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu; nguyên liệu và cách chế biến. Cuốn sách là cẩm nang thú vị cho du khách có thêm cơ sở để khám phá nhiều điều mới lạ ở miền cao A Lưới.
Năm 2023, Liên hiệp các Hội VHNT TP. Huế, Chi hội phối hợp cùng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới chung tay thực hiện dự án phục hồi gốm cổ. Đến nay, đã có những sản phẩm gốm đầu tiên được trưng bày trong các lễ hội và mở các lớp dạy làm gốm cho thế hệ trẻ. NNƯT Hồ Văn Hạnh (xã Trung Sơn), người luôn tâm huyết trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của bản làng, hy vọng: “Biết đâu, sẽ có những hạt mầm tách vỏ để vươn cao, một làng nghề gốm Pa Cô sẽ hiện diện nơi bản làng dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, tiếp tục kể những câu chuyện đẹp về bản làng, về dân tộc mình”.
Nhiều dự định cháy bỏng
Thành phố Huế hiện có khoảng 55.000 bà con dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều, Pa Hy… sinh sống chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Phú Lộc, A Lưới và một số vùng núi các huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà.
Từ ngàn xưa, trên núi rừng phía tây TP. Huế đã tồn sinh những di sản văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số luôn được các địa phương quan tâm, cụ thể như khôi phục các nhà rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi, nhà gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà moong của dân tộc Pa Cô; xây dựng nhà trưng bày hiện vật văn hóa và hiện vật chiến tranh, nhà trưng bày hiện vật lịch sử Đồi A Biah (A Lưới). Nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu được thường xuyên duy trì khôi phục theo phong tục, tập quán của từng dân tộc, như: Ariêu A Da, Ariêu Piing, Ariêu Car, cưới hỏi và các sinh hoạt truyền thống dưới nước của đồng bào Pa Cô, lễ hội mừng nhà mới của đồng bào Tà Ôi, lễ Yang Xưq của đồng bào Cơ Tu…
Các thể loại dân ca, dân vũ, dân nhạc và các lễ hội mang bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc cũng đã được quan tâm bảo tồn, phát huy. Huyện A Lưới đã sưu tầm, phát triển, biểu diễn 15 thể loại dân ca, trên 16 thể loại dân nhạc, 12 điệu dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới. Huyện Phú Lộc đã sưu tầm, phục dựng các điệu nhạc, lời ca của đồng bào dân tộc Cơ Tu như: Hát lý, nói lý, điệu múa Tântung-Zazã, đánh cồng chiêng, mừng lúa mới, vào nhà mới, Bhơnooch, Babooch, Cha chấp, Kalới…
Hiện, trong nhiều buôn làng, tiếng khung trập dệt zèng của người Tà Ôi vẫn đang lách cách vang lên. Các món ẩm thực vẫn đang được người dân duy trì trong những bếp lửa các dịp lễ hội, liên hoan ẩm thực tại các làng du lịch cộng đồng ở A Hưa (xã Nhâm), A Ka (xã A Roàng), Việt Tiến (xã Hồng Kim), suối A Lin, thác A Nôr, suối Pâr le... (A Lưới); ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Lộ… (Phú Lộc). Du lịch homestay phát triển đã giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, duy trì không gian mang tính cộng đồng... Các hội viên Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam TP. Huế vẫn luôn có mặt ở đó, để ghi chép, sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo.