Vẹn nguyên những ký ức hào hùng về đoàn tăng thiết giáp giải phóng miền nam

Chiều 11/4, tại Báo Nhân Dân đã diễn ra cuộc tọa đàm giao lưu với các nhân chứng lịch sử tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chương trình mang chủ đề 'Chiến công của bộ đội tăng thiết giáp trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975'.

Hai khách mời đặc biệt của buổi tọa đàm là Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng và nhà báo Trần Mai Hưởng.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Tư lệnh trưởng Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Ông sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, nhập ngũ năm 17 tuổi, trải qua cuộc đời quân ngũ 43 năm, từ chiến sĩ đến một vị tướng. Ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ năm 19 tuổi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi. Ông là dòng dõi Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài nổi tiếng thời nhà Trần; cũng là cha của Đại tá Đoàn Sinh Hòa - hiện là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình (Chỉ huy trưởng trẻ nhất toàn quân). Có thể nói đây, là một gia đình có truyền thống chỉ huy quân sự ở Việt Nam.

Nhà báo Trần Mai Hưởng nguyên là Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ông từng có mặt ở chiến trường Quảng Trị năm 1972-1973 khi mới tròn 20 tuổi. Năm 1975, khi đang học ở Đại học Kinh tế quốc dân, ông làm đơn xin vào chiến trường, tham gia Đại thắng mùa Xuân 1975.

Trần Mai Hưởng cũng là một trong những nhà báo đầu tiên có mặt ở Huế khi cố đô vừa giải phóng, có mặt ở Dinh Độc Lập ngay trong trưa ngày 30/4/1975 lịch sử và chụp bức ảnh để đời “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”.

NGHI BINH ĐỂ THẦN TỐC GIẢI PHÓNG TÂY NGUYÊN, TIẾN VỀ SÀI GÒN

Đi bộ đội khi mới 17 tuổi, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng từng tham gia nhiều chiến trường, chiến trận khốc liệt khác nhau. Vào Tây Nguyên, với cương vị Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Quân đoàn 3, ông đã dũng cảm chỉ huy Đại đội 9 tăng - thiết giáp đánh nhiều trận nổi tiếng, trong đó tiêu biểu nhất là trận đánh Buôn Ma Thuột.

Là một Đại đội trưởng quả cảm và có đầu óc chỉ huy nhạy bén, tháng 1/1975, ông đã được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 9 đánh thẳng vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột, thọc sâu, tiêu diệt sinh lực địch ở Tổng kho Mai Hắc Đế và Sư đoàn 23 Ngụy.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể lại những ký ức hào hùng 50 năm về trước.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể lại những ký ức hào hùng 50 năm về trước.

Một trong những yếu tố làm nên chiến thắng “then chốt của then chốt” này đó là chiến thuật nghi binh. Theo Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, lực lượng tăng thiết giáp đã bảo đảm bí mật, bất ngờ khi nghi binh thành công, khiến địch bất ngờ khi ta nổ súng tiến đánh sở chỉ huy địch ở Buôn Ma Thuột.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể: Để nghi binh cho chiến dịch, đầu tiên quân ta khiến địch tưởng rằng ta sẽ đánh vào hướng nam Gia Nghĩa nhưng đột ngột lại quay vào Buôn Ma Thuột.

“Ngay từ đầu ta đã nghi binh khi đổ quân xuống Gia Nghĩa (Đắk Nông), đồng thời đánh giương đông kích tây vào các địa điểm khác, tiếp nữa là cắt đường 19, với sự phối hợp từ các đơn vị lực lượng vũ trang Tây Nguyên, Sư đoàn 320…, còn lực lượng xe tăng chạy đi chạy lại từ bắc Kon Tum lên xã Dương Bình rồi ngược lại, khiến địch nghĩ ta đánh vào hướng Kon Tum-Gia Lai”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng hồi tưởng.

50 năm đã qua đi, nhưng câu chuyện sống, chiến đấu vẫn chưa hề phai mờ trong vị tướng của lực lượng tăng thiết giáp.

50 năm đã qua đi, nhưng câu chuyện sống, chiến đấu vẫn chưa hề phai mờ trong vị tướng của lực lượng tăng thiết giáp.

Trong khi đó, Đại đội 9 của ông các xe tăng được giấu kín, không động tĩnh sau khi bí mật vượt hơn 300km đường rừng đến vị trí tập kết cách thị xã Buôn Ma Thuột 40km để sẵn sàng tiến công giải phóng mục tiêu then chốt.

“Để bảo đảm bí mật, hằng ngày tôi và các đồng chí chỉ huy phải đi bộ mấy km tới vị trí ém xe để kiểm tra trực tiếp chứ không mở máy bộ đàm, tránh địch phát hiện”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nói.

Để làm nên chiến thắng, công tác chuẩn bị cũng được tiến hành hết sức công phu. Đại đội 9 được trang bị toàn bộ xe tăng T-54B thế hệ mới, được luyện tập kỹ, bảo đảm tác chiến nhanh, chính xác.

Trong quá trình chuẩn bị tại vị trí tập kết, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng có sáng kiến: Mỗi xe tăng đeo cố định thêm 10 viên đạn pháo, nâng cơ số đạn chiến đấu của mỗi xe tăng từ 34 viên lên 44 viên, bảo đảm chiến đấu được thời gian dài. Sáng kiến gia cố thêm đạn này về sau được toàn Trung đoàn 273 áp dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Vào mùa mưa Tây Nguyên, máy bộ đàm của Liên Xô không được nhiệt đới hóa nên bị ẩm, không nghe được. Tôi mới nghĩ cách bảo anh em đốt cây gỗ rồi sấy khô máy để liên lạc. Chính vì thế nên khi vào trận, 15 chiếc xe tăng của đại đội đều luôn nhận được điện từ sở chỉ huy rất thông suốt”, ông kể thêm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Trên đường thọc sâu vào thị xã, Đại đội 9 đã đánh tan quân địch ở kho Mai Hắc Đế, bắn cháy 2 chiếc M-113, bắt sống Phó tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk, rồi đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy Sư bộ 23 ngụy.

Đến 11 giờ 30 phút ngày 11/3/1975, quân ta cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Sư đoàn bộ 23 ngụy. Trải qua thời khắc sinh tử, hầu hết xe tăng của Đại đội 9 đều có người bị thương, ngay cả chiếc xe tăng 980 do đích thân Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy cũng bị trúng đạn nhưng toàn đại đội đã dũng cảm, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngay sau đó, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh vào thị xã Cheo Reo, lấy xe địch đánh địch, góp phần cùng bộ binh tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy trên đường số 7.

Ngày 1/4/1975, ông cùng đơn vị tiến vào giải phóng thị xã Tuy Hòa, thị trấn Tuy An, sân bay Đông Tác (Phú Yên), rồi trở lại Buôn Ma Thuột, tiếp tục hành quân vào Sài Gòn theo đường số 14.

Đại đội 9 dưới sự chỉ huy của ông đã trải qua trận đánh ác liệt cửa ngõ Sài Gòn trên Cầu Bông, trại Quang Trung tại ngã tư Bảy Hiền, rồi đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Đến 10 giờ ngày 30/4, khi những người lính Đại đội 9 cùng các lực lượng chiếm được Bộ Tổng tham mưu ngụy cũng là lúc quân giải phóng ào ạt tiến vào Dinh Độc lập, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Ảnh: THÀNH ĐẠT.

Ảnh: THÀNH ĐẠT.

Nói về vai trò của lực lượng tăng thiết giáp, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho biết, xe tăng là lực lượng đột kích quan trọng của quân ta. Trong những trận đánh, chiến dịch quan trọng thì xe tăng và bộ binh là lực lượng đột kích chủ yếu, luôn gắn liền với nhau.

"Ở vào giai đoạn cuối của cuộc chiến đấu, xe tăng luôn giữ vai trò quan trọng vì có sức cơ động cao, uy lực, hỏa lực mạnh, hữu dụng trong nhiều loại hình chiến dịch", Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhấn mạnh.

ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975 TRONG KÝ ỨC NHÀ BÁO CHIẾN TRƯỜNG

Trả lời câu hỏi của nhà thơ Hữu Việt, nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại: Mùa xuân năm 1975, ông đang có mặt ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì bất ngờ được gặp các đồng chí Lê Đức Thọ, Đồng Sỹ Nguyên từ Trường Sơn về thăm đặc khu. Ngay vào thời điểm này, chàng nhà báo trẻ đã dần mường tượng về một mùa xuân rất đặc biệt sắp diễn ra.

Sau đó, ông trở về Hà Nội học tập ngắn ngày ở trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân). Cũng thời điểm này, Thông tấn xã Việt Nam nơi nhà báo làm việc tổ chức 2 đoàn công tác đi vào chiến trường miền nam.

"Một hôm về cơ quan, tôi thấy không khí sôi động lắm. Tôi liền đến gặp Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng để xin được đi. Đầu tiên, ông Phượng không đồng ý, bảo nhà tôi có 2 anh em, vào đó cả thì không nên. Anh trai tôi, cố nhà báo Trần Mai Hạnh lúc đó đã đi vào chiến trường miền nam. Nhưng rồi, trước quyết tâm của tôi, ông cũng đồng ý. Sáng hôm sau, tôi lên cơ quan, nhận ba-lô, quân tư trang để theo đoàn vào Huế", nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại những năm tháng không thể quên 50 năm về trước.

Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại những năm tháng không thể quên 50 năm về trước.

Nhưng con đường vào trận địa lại rất... gập ghềnh. Khi đóng quân tại Đông Hà (Quảng Trị), đoàn nghe tin thành phố Huế đã được giải phóng. Mặc dù vậy, cây cầu cho phép xe đi qua đã bị mìn giật đổ. Lòng nóng như lửa, nhóm phóng viên chiến trường quyết định đi bộ vượt đoạn đường dài 30km để vào cố đô ngay trong đêm. Phía bên kia, địch vẫn đang tháo chạy.

"Anh em chúng tôi bảo nhau đi rải ra, để nếu gặp phục kích thì thương vong sẽ ít nhất có thể", nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nói nhẹ bẫng.

Rạng sáng 26/3/1975, khi đoàn tiếp cận gần thành phố thì gặp một chiếc xe khách chạy qua nên xin bà con cho đi nhờ. Ít lâu sau, Huế hiện ra trước mắt họ với khung cảnh vô cùng ấn tượng. Nhân dân hồ hởi chào đón đoàn quân giải phóng. Cờ đỏ phấp phới bay khắp mọi nẻo đường. Nhà báo Trần Mai Hưởng năm đó đã viết tác phẩm "Huế đỏ cờ bay" để ghi lại những giờ phút đặc biệt của non sông, gấm vóc...

"Tiếp đó, chúng tôi tới Đà Nẵng, rồi hướng về Sài Gòn trong niềm tin chiến thắng đang tới gần", nhà báo Trần Mai Hưởng kể.

Tập xe máy khẩn cấp để vào miền nam

Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, ngay khi tới Huế, để chuẩn bị theo đoàn quân giải phóng tiến về Đà Nẵng, nhóm 4 phóng viên chiến trường các ông đã mượn 2 chiếc xe máy rồi... tập đi ngay bên dòng sông Hương hiền hòa. Những chàng trai đến từ Hà Nội, mất đúng 1 ngày để làm chủ những chiếc Honda xa lạ, trước khi đèo nhau vượt đèo Hải Vân ngay trong ngày hôm sau.

"Đó thực sự là những ký ức không thể nào quên", ông trầm ngâm nhớ lại.

Sau khi Đà Nẵng được giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam rất nhanh nhạy nên đã tổ chức ngay một tổ mũi nhọn để tiếp tục hành quân sâu hơn vào miền nam.

"Chúng tôi được đi trên 1 chiếc xe com-măng-ca, có 1 điện đài. Cứ thế, anh em chạy theo đường 1, qua Quy Nhơn, đi ngay phía sau bộ đội. Tới đâu, anh em lại chụp ảnh, viết bài và phát về Hà Nội luôn.

Khoảng ngày 23-24/4, đoàn tới Xuân Lộc (Đồng Nai). Lúc này, anh em đang loay hoay chưa biết làm thế nào để vào được Sài Gòn thì bất ngờ gặp được anh Toàn thuộc Sư đoàn 304. Anh Toàn đã báo cáo Tư lệnh Sư đoàn. Sau đó, chúng tôi được đồng ý cho phép đi cùng Sư đoàn để tiến về Sài Gòn", nhà báo Trần Mai Hưởng kể lại hành trình tháng 4 lịch sử.

Nhà báo Trần Mai Hưởng kể lại giây phút tổ công tác đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam tiến về Sài Gòn theo đoàn quân giải phóng.

Nhà báo Trần Mai Hưởng kể lại giây phút tổ công tác đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam tiến về Sài Gòn theo đoàn quân giải phóng.

Chiều 29/4, Quân đoàn 2 tổ chức mũi tấn công thọc sâu vào thành phố. Tổ phóng viên cũng được phép đi cùng. Nhà báo Trần Mai Hưởng vẫn nhớ, từ phía những cánh rừng cao su, thiết giáp, xe tải rùng rùng chạy ra. Cờ bay phấp phới trên nóc xe...

"Chúng tôi tưởng sẽ vào ngay được Sài Gòn trong đêm. Nhưng, do tình hình thực tế, đêm đó, tất cả phải ngủ lại ở bên bờ sông Buông để sáng hôm sau mới vượt cầu Sông Đồng Nai để vào thành phố.

Tới những đoạn giao tranh ác liệt, tránh để địch bắn trúng, chiếc Com-măng-ca của chúng tôi nấp bên xe tăng để tiến lên cùng quân đội. Tôi vẫn nhớ, khi ô-tô qua cầu trên sông Sài Gòn, phía dưới vẫn còn rất nhiều tàu địch tháo chạy ra phía biển", nhà báo Trần Mai Hưởng kể.

Nhà báo Trần Mai Hưởng cùng bức ảnh mang tính lịch sử.

Nhà báo Trần Mai Hưởng cùng bức ảnh mang tính lịch sử.

Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đặc biệt ấn tượng với nghệ thuật hợp đồng binh chủng nhiều lực lượng trong trận đánh cuối cùng vào sào huyệt chính quyền Sài Gòn. Bản thân ông cũng may mắn chụp được những bức ảnh mang tính lịch sử thể hiện rất rõ tinh thần này. Bức ảnh "để đời": Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 chính là một tác phẩm như thế.

Nhà báo kể: Bản thân ông vốn không phải là phóng viên ảnh. Nhưng khi chuẩn bị xuất phát từ Đà Nẵng vào miền nam, ông được phát thêm chiếc máy ảnh hiệu Hải Âu (Trung Quốc) cùng 2 cuộn phim, mỗi cuộn 36 kiểu.

"Qua sông Đồng Nai, tôi chỉ còn đúng 13 kiểu phim nên bắt đầu chụp rất dè sẻn. Tới khoảng 11 giờ 45 phút trưa 30/4/1975, khi vào tới Dinh Độc Lập, đoàn phóng viên thấy xe tăng mang số hiệu 846 bắt đầu tiến vào. Đây không phải là chiếc đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Nhưng khoảnh khắc ấy, ngay lập tức tôi giơ máy lên và bấm. Phía trên xe còn 2 đồng chí bộ binh Sư đoàn 304. Bên trong xe còn 3 chiến sĩ khác. Tôi cũng không nhớ mình đã chụp cụ thể thế nào mà chỉ hành động theo bản năng", nhà báo Trần Mai Hưởng tâm sự.

Bức ảnh lịch sử do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp trưa 30/4/1975.

Bức ảnh lịch sử do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp trưa 30/4/1975.

"Quang cảnh Sài Gòn lúc ấy cũng rất đặc biệt. Chúng tôi ngồi trên xe nhìn ra bên ngoài thì thấy những em bé chạy theo hô to: Giải phóng rồi! Có những người đàn ông chạy xe máy theo và hát vang: Trùng trùng quân đi như sóng... Có cả anh phóng viên người Đức tung cả máy ảnh lên, hô to: Chúng tôi đã chờ thời khắc này rất lâu rồi. Có lẽ, tất cả lòng người cũng đã khao khát và chờ đợi giây phút lịch sử ấy", nhà báo Trần Mai Hưởng xúc động.

VĨ THANH VÀ CỐT CÁCH BÌNH DỊ CỦA NGƯỜI LÍNH CHIẾN

Lắng nghe câu chuyện của hai nhân chứng lịch sử, nhà báo Hữu Việt lặng người. Ông đúc kết: Có lẽ, theo một cách nào đó, lịch sử sẽ tự biết cách để lựa chọn cho mình những con người gắn chặt với thời khắc đặc biệt.

Trong khi đó, nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết thêm, sau ngày chụp bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, ông đã mất rất nhiều năm để đi tìm gặp lại những nhân vật trong chiếc xe tăng năm xưa.

"Khi gặp lại, một người chiến sĩ xe tăng 846 đã nói với tôi: 'Chúng tôi biết anh chụp bức ảnh này từ rất lâu rồi. Bản thân tôi cũng lưu giữ bức ảnh ấy của anh. Nhưng, chúng tôi là người lính. Nhiệm vụ đã xong thì thôi'. Họ trở về với đời sống bình thường, theo một cách bình thường nhất như cách hàng triệu người lính khác lựa chọn. Sự khiêm nhường dường như đã lặn rất sâu vào trong cốt cách của họ", nhà báo Trần Mai Hưởng đúc kết.

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Báo Nhân Dân.

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Báo Nhân Dân.

NHÓM PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ven-nguyen-nhung-ky-uc-hao-hung-ve-doan-tang-thiet-giap-giai-phong-mien-nam-post871704.html
Zalo