50 năm chiến thắng Xuân Lộc - Giải phóng Long Khánh (21-4) Cảm ơn Xuân Lộc - Long Khánh
Vốn xuất thân từ thằng nhỏ chăn trâu, bán báo ít chữ nghĩa nhưng tôi lại có may mắn được hầu chuyện với một người Công giáo toàn tòng, du học ở Bỉ và từng là Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc gia giáo dục Việt Nam cộng hòa, giáo sư triết học Đại học Văn Khoa, Vạn Hạnh, Đà Lạt, chủ bút Báo Điện Tín đối lập với chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu…

Du khách tham quan và chụp hình lưu niệm trong vườn cây tại Long Khánh. Ảnh: Cao Tuấn
1. Cơn mưa đêm trái mùa đầu tháng 4-2025 làm dịu cái nóng oi bức của phương Nam mùa khô, tôi bỗng chợt nhớ đến ông Lý Chánh Trung, người trí thức Công giáo mà tôi may mắn được hầu chuyện với ông trong căn nhà nhỏ số 17, đường Công Lý (làng Đại học Thủ Đức), Thành phố Hồ Chí Minh cách nay 30 năm. Trong câu chuyện dưới cơn mưa trái mùa của 30 năm về trước (1995) tôi nhớ mãi chất giọng khàn tươi, đặc sệt chất Nam Bộ của vị giáo sư lúc đó đã 77 tuổi.
Ông nói: “Về đạo lý, người Sài Gòn nên có lời cảm ơn người Xuân Lộc - Long Khánh”. “Sao vậy bác?” - tôi ngạc nhiên. Ông từ tốn giải thích: “Cháu nghĩ mà coi. Từ Ban Mê Thuột đến Sài Gòn là 55 ngày đêm nhưng Xuân Lộc - Long Khánh đã chịu đựng hết 12 ngày đêm, lại phải gánh thêm hai trái CBU…”.
Nghe đến đây, tôi hiểu được tình cảm của một người trí thức đã từng gắn bó số phận của mình với số phận Sài Gòn từ năm 1955 qua những cung bậc của lịch sử. Ở giữa Sài Gòn, ông đã dấn thân bằng lòng yêu nước theo cách của mình với tư cách là một người Việt Nam, một tín hữu Công giáo, một trí thức, một nhà giáo - nhà báo. Sở dĩ tôi nhấn mạnh điều này, vì có lần ông đã thổ lộ với tôi: Giữa những năm 1960, thông qua người bà con, sau này được vinh danh là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, ông Huỳnh Tấn Phát mời ông tham gia một ghế Bộ trưởng trong Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam. Nhưng ông cảm ơn và nói để ông hoạt động hợp pháp ở Sài Gòn sẽ có lợi hơn.
Trải qua 50 mùa hoa cao su nở trắng cho ong tìm về làm mật, chợt nhớ lời tâm tình của một người Công giáo Toàn tòng - người đã tâm huyết viết bài báo Nói chuyện với người đã khuất khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Người viết có khai sinh ghi nơi sinh: 37 Cống Quỳnh, đô thành Sài Gòn, nên dù muộn xin bày tỏ lòng biết ơn với bao thế hệ người Xuân Lộc - Long Khánh và người của cả nước đã hy sinh để mở cánh cửa thép Xuân Lộc - Long Khánh trong những ngày tháng tư lịch sử của nửa thế kỷ trước.
2. Ngày 26-3-1975, đại tướng Frederick C.Weyand được Tổng thống Gerald Ford cử đến Sài Gòn để lượng giá tình hình chiến sự ở miền Nam. Đây là lần thứ ba, ông Weyand đến xứ sở nhiệt đới này. Nhắc đến ông Weyand, tướng lĩnh Sài Gòn không ai không biết vị tướng danh giá của quân đội Hoa Kỳ này. Năm 1966, với tư cách là tư lệnh Sư đoàn 25 Tia Chớp Nhiệt Đới, ông được điều động đến trấn giữ mạn Tây Bắc Sài Gòn; sau đó, ông được điều động về Long Bình, Biên Hòa làm tư lệnh Quân đoàn Dã chiến số 2 của quân đội Hoa Kỳ (lực lượng cấp quân đoàn có nhiệm vụ bảo vệ đô thành Sài Gòn và Quân khu 3, Quân khu 4).
Tháng 6-1972, tướng Weyand được thăng cấp hàm đại tướng và làm tư lệnh quân viễn chinh Mỹ tại miền Nam Việt Nam thay tướng Williams Abrams. Cũng có lúc, tướng Weyand với tư cách là người am hiểu chiến trường, ông được cử làm cố vấn quân sự bên cạnh cố vấn an ninh - Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger trong hội đàm Paris. Weyand từng chủ trì lễ hạ cờ sao vạch trong trại Davis để đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước theo tinh thần Hiệp định Paris. Sau khi đưa những con em Hoa Kỳ rời khỏi đầm lầy, rừng rậm Việt Nam về nước an toàn, ngày 3-4-1973, Weyand nhận lệnh của tổng thống đến Lầu Năm góc nhận nhiệm vụ tham mưu trưởng thứ 27 của Liên quân Hoa Kỳ, vốn được xác lập năm 1903.
Phải tốn nhiều chữ nghĩa để nhắc đến tiểu sử của đại tướng Frederick C.Weyand để thấy tầm quan trọng của chuyến đi thị sát tình hình Nam Việt Nam của Đặc phái viên Tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ lần ấy và là tổng thống thứ 5 can dự vào cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam nên chuyến đi Sài Gòn của tướng Weyand có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong mối quan hệ Mỹ - Việt và sự sống sót của chính quyền Sài Gòn đang hấp hối.
Trong thời gian ở Việt Nam, tướng Weyand có 3 buổi làm việc với các tướng lĩnh cấp cao của chính quyền Sài Gòn, kể cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đề xuất (thực chất là chỉ đạo) xây dựng tuyến phòng thủ Phan Rang - Xuân Lộc - Tây Ninh để bảo vệ đô thành Sài Gòn, trong đó xác định Xuân Lộc là tuyến phòng thủ trọng yếu nhất, khi ông ấy nói: “Nếu mất Xuân Lộc sẽ mất Sài Gòn".
Cho nên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tán thành ngay gợi ý mang tính chỉ đạo của ông đại tướng - đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ và gọi Phan Rang là lá chắn thép, Xuân Lộc là cánh cửa thép; toàn tuyến phòng thủ là phòng tuyến Weyand với hy vọng vị tướng này sẽ có báo cáo có lợi cho miền Nam để tổng thống Hoa Kỳ thuyết phục Quốc hội chuẩn chi 722 triệu Mỹ kim cho Việt Nam cộng hòa.
Nhưng than ôi! Phòng tuyến Weyand chỉ là nước cờ tàn trước khí thế: “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa” của quân giải phóng nên phòng tuyến Weyand cũng bị tan vỡ từ lá chắn thép Phan Rang đến cánh cửa thép Xuân Lộc bị vỡ vụn trước sức tiến công theo hướng bao vây, cô lập, đột phá của quân giải phóng. Tướng Lê Minh Đảo trong buổi họp báo quốc tế tại Xuân Lộc đã hùng hổ tuyên bố: “Tôi thề giữ vững Xuân Lộc. Bất chấp cộng sản tập trung bao nhiêu sư đoàn, tôi cũng đánh gục họ. Tôi sẽ đánh một trận hào hùng cho thế giới biết sức mạnh và tài ba của quân lực Việt Nam cộng hòa”. Mặc dù tuyên bố “cộng sản muốn lấy Xuân Lộc phải bước qua xác tôi”, nhưng trước sức tiến công dũng mãnh của quân giải phóng, tối 20 rạng sáng 21-4-1975, lợi dụng lúc trời mưa tầm tã, tướng Lê Minh Đảo đã cho rút quân nhục nhã theo ngã lộ 2 về Phước Tuy (Bà Rịa).
Đúng 8h sáng 21-4-1975, Xuân Lộc - Long Khánh hoàn toàn được giải phóng, cánh cửa thép phía Đông Sài Gòn bị đập tan, phòng tuyến Weyand bị sụp đổ.
Để “vớt vát” chút thể diện, Việt Nam Cộng hòa xin ý kiến tướng Homer Smith, chỉ huy phái bộ quân sự Hoa Kỳ (DOA) ném hai quả bom CBU-55 bằng máy bay C-130 cất cánh từ Sân bay Biên Hòa, gây cho quân giải phóng và đồng bào nhiều thương vong. Dẫu vậy, quân đội Sài Gòn vẫn không thể ngăn được đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng rầm rập hành tiến về Sài Gòn.
Ngay chiều 21-4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, vì hết hy vọng giữ được Sài Gòn. Ông Thiệu đào thoát ra khỏi miền Nam, các ông Trần Văn Hương, Dương Văn Minh lần lượt lên làm tổng thống và 11h30 (giờ Sài Gòn) Tổng thống Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam.
Trong khi Chính ủy Bùi Văn Tùng thay mặt quân giải phóng tiếp nhận lời đầu hàng không điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh thì nước máy trong hệ thống ở Sài Gòn vẫn chảy đều đến mọi gia đình, máy điều hòa nhiệt độ trong Dinh Độc Lập vẫn chạy, Đài Phát thanh Sài Gòn vẫn liên tục phát đi phát lại lời đầu hàng, tiếp nhận đầu hàng, lời kêu gọi nhân dân bình tĩnh của nhóm Nguyễn Hữu Thái - Trịnh Công Sơn và bài hát Nối vòng tay lớn.
Trong thời gian ấy, người dân Xuân Lộc - Long Khánh tìm về quê cũ cùng chính quyền quận quản lo an táng các xác của người thân, của dân thường, của bộ đội, binh lính cộng hòa, nhặt nhạnh tìm từng cái chén mẻ, tô bể để ăn bữa cơm hòa bình bằng gạo cứu tế của chính quyền quân quản. Trong cảnh đổ nát, tan hoang vì bom đạn, trong cuộc giáp trận một mất một còn giữa hai bên suốt 12 ngày đêm (9 đến 21-4-1975), người Xuân Lộc - Long Khánh vui mừng vì quê hương được giải phóng, Sài Gòn được giải phóng (còn nguyên vẹn), đất nước hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.
3. Nếu Xuân Lộc - Long Khánh là vùng đất cộng sinh của đồng bào cả nước thì để giải phóng vùng đất đắc địa này, đã có hàng ngàn người con của cả nước, mà nhiều nhất là những người con thân yêu của những bà mẹ miền Bắc, đã anh dũng ngã xuống trong 12 ngày đêm đạn cày bom xới, khói lửa ngút trời, đường phố tan hoang, cửa nhà sụp đổ, xóm làng thê lương. Nhưng không sao, đất nước hòa bình thống nhất là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn rồi. Còn sống, sống sót sau chiến tranh ác liệt là quý báu biết bao nhiêu. Bởi “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, huống hồ dưới chân mình là đất đỏ bazan màu mỡ. Người Xuân Lộc - Long Khánh thật thà hồn hậu nói với nhau như vậy. Có lần ông Bảy Vĩ, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc đã nói với người viết đại ý như vậy. Ông Bảy còn nói thêm: “Trước mắt, sau 12 ngày đêm chiến tranh ác liệt, Xuân Lộc - Long Khánh bị đổ nát. Nhưng theo quan niệm dân gian, 12 là con số đại cát, khởi đầu cho sự may mắn, hạnh phúc dài lâu”…