Hà Nội: Vì sao biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ 'chết yểu'?
Đóng góp giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, chuyên gia nêu khó khăn khi nhiều chương trình biểu diễn tại phố đi bộ, biệt thự Pháp phải tạm dừng do thiếu kinh phí duy trì.
Ngày 18/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo về “Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội quý để Hà Nội tiếp thu các ý kiến của cơ quan Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân, nghệ sỹ và các tổ chức, doanh nghiệp, để hoàn thiện và xây dựng thể chế bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô, xứng tầm với truyền thống ngàn năm Thăng Long Hà Nội, xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa cả nước nói chung, phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội nói riêng.
KTS Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX - Vietnam) cho biết, ngành công nghiệp văn hóa châu Âu mỗi năm mang về 110 tỷ USD, chỉ đứng sau xây dựng và kinh doanh nhà hàng khách sạn.
Trong khi Hà Nội và vùng Région Ile-de-France và Hà Nội có khá nhiều điểm tương đồng như khu đô thị nội đô dày đặc di sản, vùng ngoại ô hấp dẫn bởi cảnh quan tươi đẹp, thoáng đãng. Nếu biết khai thác và xây dựng các trung tâm công nghiệp văn hóa hiệu quả, nguồn lợi là không hề nhỏ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo
KTS Emmanuel góp ý Hà Nội trong xây dựng không gian sáng tạo và các trung tâm công nghiệp văn hóa cần có sự kết nối với giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị hiện nay và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong tương lai. Việc dùng metro để kết nối giao thông là điều lý tưởng bởi sức chuyên chở lớn của phương tiện công cộng này.

Chuyên gia nước ngoài đóng góp ý kiến tại hội thảo
Khó khăn về kinh phí duy trì
Bà Phạm Thanh Hường, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã nêu bật ưu điểm của các trung tâm văn hóa là làm hồi sinh các không gian văn hóa bị lãng quên, các cơ sở công nghiệp, các tòa nhà.
Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước bằng các biện pháp như giảm thuế, hạ tầng cơ sở, mặt bằng, các không gian sáng tạo rất cần các quỹ được tổ chức định kỳ hoặc các quỹ tài trợ nhỏ thu hút sự tham gia của cộng đồng.
Bà Hường còn đề cao mối liên kết đa ngành từ các hoạt động văn hóa. Đặc biệt, bà Hường cho rằng, cần có sự linh hoạt trong quy định, cho phép thử nghiệm các hoạt động sáng tạo văn hóa, cho dù có thất bại nhằm tạo điều kiện cho các ý tưởng mới mẻ được nuôi dưỡng và phát triển.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp, các đơn vị nghệ thuật đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và văn hóa đã có những chia sẻ về khó khăn vấp phải trong quá trình xây dựng tác phẩm và hoạt động của mình.
Đạo diễn Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, ngành công nghiệp văn hóa non trẻ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước và tư nhân.
Đạo diễn lấy ví dụ, năm 2024, Nhà hát Tuổi trẻ làm các sản phẩm nghệ thuật phục vụ tại phố đi bộ Trần Nhân Tông. Sản phẩm làm ra nhận được nhiều lời khen ngợi và đánh giá cao.
Tuy nhiên, việc duy trì các buổi biểu diễn định kỳ tại phố đi bộ, nuôi sản phẩm lớn lên lại vướng mắc trong khâu mặt bằng, kinh phí duy trì bộ máy nhân sự. Do vậy, cho đến nay, sản phẩm nghệ thuật này đã tạm dừng.
Còn một chương trình hợp tác khác được nhà hát Tuổi trẻ xây dựng tại biệt thự Pháp vừa khánh thành cũng lâm vào tình cảnh tương tự do không đủ kinh phí duy trì…