Về nơi lửa thử vàng...
Trong đôi mắt người lính già, Côn Đảo là cả một khoảng trời ký ức, vừa trĩu nặng nỗi đau thương vừa rực sáng niềm kiêu hãnh
Nếu như trong quá khứ, Côn Đảo là cái tên gắn liền với nỗi đau, máu và nước mắt của hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng thì hôm nay, mảnh đất ấy đã hồi sinh ngoạn mục để trở thành điểm đến du lịch tầm cỡ thế giới.
Những con người kiên cường
Những ngày tháng 4, Côn Đảo đẹp đến lặng người. Mặt biển xanh thẳm, yên ả như một tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời trong veo không gợn mây. Gió biển thổi nhẹ mang theo hương vị mặn mòi và cả mùi rừng thoang thoảng từ những triền núi bao quanh đảo. Trên các con đường uốn lượn ven biển, những gốc bàng xù xì nhưng kiên cường ôm xung quanh đảo Côn Sơn. Những cây bàng đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, trải qua nắng gió, bão tố, qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, chúng vẫn lặng lẽ đứng đó như những người lính gác thầm lặng, bền bỉ với thời gian.
Tháng 4 ở Côn Đảo không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn bởi những cung bậc cảm xúc len lỏi trong lòng người. Đây là khoảng thời gian linh thiêng bởi là mùa tưởng niệm, mùa của những ký ức không thể và không được quên. Trong những ngày tháng 4 này, dòng người vẫn lặng lẽ nối nhau về Nghĩa trang Hàng Dương thắp nén hương cho những người đã nằm lại nơi đây, các anh hùng đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc.

Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn (phải) cùng đồng đội dừng lại, đặt tay trước những tấm bia mộ của đồng đội tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo
Côn Đảo từng được mệnh danh là "địa ngục trần gian", tồn tại qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bởi vì, Côn Đảo được chọn làm nơi xây dựng hệ thống nhà tù để giam cầm, đày ải hàng chục vạn chiến sĩ, trí sĩ và người yêu nước với những hình thức tra tấn dã man, vô nhân đạo như "chuồng cọp Pháp", "chuồng cọp Mỹ", biệt giam... Côn Đảo đã trở thành biểu tượng của sự tàn bạo! Ngày nay, đến thăm Côn Đảo, chúng ta không khỏi xúc động khi bước chân vào những di tích lịch sử như nhà tù Phú Hải, chuồng cọp, Nghĩa trang Hàng Dương... Mỗi viên đá, mỗi bức tường ở đây đều thấm đẫm nước mắt và máu của bao thế hệ người con đất Việt.
Đối với những người từng sống qua những tháng ngày bị giam cầm nơi Côn Đảo khắc nghiệt, mảnh đất này không chỉ là một địa danh mà đã trở thành một phần máu thịt, gắn bó sâu sắc với ký ức không thể phai mờ. Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn (SN 1950, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an) là một trong những người đã từng nếm trải những năm tháng không thể nào quên ấy.
Mỗi lần trở lại Côn Đảo, Trung tướng Châu Văn Mẫn luôn dừng chân tại Nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các đồng chí, đồng đội đã từng kề vai sát cánh cùng ông trong những năm tháng chiến đấu gian khổ. Dưới hàng cây rợp bóng, ông lặng lẽ bước từng bước chậm rãi, ánh mắt dừng lại trước từng ngôi mộ. Ông cúi người, khẽ đặt bàn tay lên bia đá lạnh, gọi tên từng người đã nằm lại đất này.
Trong đôi mắt người lính già là cả một khoảng trời ký ức, vừa trĩu nặng nỗi đau vừa rực sáng niềm kiêu hãnh. Kiêu hãnh bởi ông từng được sát cánh cùng những con người kiên cường, sẵn sàng hy sinh tất cả cho lý tưởng cao đẹp, cho độc lập và tự do của Tổ quốc. Giờ đây, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Côn Đảo với trường học, bệnh viện, nhà cửa khang trang và một đời sống yên bình, ông không khỏi tự hào. Tuy nhiên, ông luôn nhắc nhở thế hệ sau "hãy phát triển đi đôi với gìn giữ di tích, bảo vệ môi trường để Côn Đảo mãi là biểu tượng của lịch sử và khát vọng hòa bình".
Hồi sinh mãnh liệt
Kể từ sau ngày đất nước thống nhất, Côn Đảo không chỉ còn là chứng tích của một thời bi hùng mà dần trở thành vùng đất được nhiều người lựa chọn để bắt đầu một hành trình mới. Từ những người lính năm xưa, các cựu tù từng bị giam cầm nơi đây, đến những cán bộ đầu tiên được phân công ra đảo xây dựng lại từ tàn tích chiến tranh và cả thế hệ trẻ hôm nay đang khởi nghiệp trên chính quê hương này, tất cả đã góp phần tạo nên một Côn Đảo đổi thay từng ngày. Một Côn Đảo đang vươn lên hiện đại, năng động nhưng vẫn gìn giữ trọn vẹn chiều sâu lịch sử và linh hồn thiêng liêng của mảnh đất anh hùng.

Hàng bàng cổ thụ ôm quanh đảo Côn Sơn, xanh mát
Trong căn bếp nhỏ của ngôi nhà cổ trên đường Lê Duẩn, giữa tiếng soàn soạt của dao thớt và hương thơm của bữa chiều, bà Nguyễn Thị Anh Thư thong thả kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những ngày đầu lập nghiệp trên đất Côn Đảo. Năm 1984, vợ chồng bà rời quê ở Cần Thơ theo diện "tình nguyện xây dựng Côn Đảo", mang trong mình hành trang là niềm tin và sự kiên cường.
Ngày đó, Côn Đảo vẫn còn là vùng đất hoang sơ, thiếu thốn đủ bề, không điện, không chợ, không phương tiện thông suốt với đất liền, chỉ có những con người đầy quyết tâm khởi dựng một cuộc sống mới giữa nơi còn mang nặng tàn tích chiến tranh. Và bà Thư cũng như bao người dân "mở cõi" khác đã bắt đầu hành trình ấy bằng đôi bàn tay, sự chịu đựng và cả lòng kiên định bền bỉ suốt nhiều thập kỷ sau. 41 năm qua, giờ đây, con trai, cháu nội bà cũng đã chọn Côn Đảo làm quê hương thứ hai, tiếp nối hành trình của những người đã đặt những viên gạch đầu tiên lên vùng đất lịch sử này.
Sau nhiều thập kỷ, Côn Đảo đã dần cởi bỏ tấm áo tang thương để khoác lên mình vẻ đẹp thanh bình và hấp dẫn đến nao lòng. Thiên nhiên nơi đây gần như nguyên sơ, các bãi biển trải dài cát trắng, nước biển trong xanh, rừng nguyên sinh và hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú bậc nhất Việt Nam tạo nên một không gian thanh bình, trong lành hiếm có. Chính sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên hoang sơ, môi trường trong lành và chiều sâu văn hóa - lịch sử đã góp phần làm nên sức hút riêng biệt cho Côn Đảo. Đây không chỉ đơn thuần là nơi nghỉ dưỡng mà còn là hành trình của sự lắng đọng, nơi mỗi bước chân du khách đều có thể chạm vào những lớp trầm tích lịch sử và cảm nhận sự hồi sinh mãnh liệt của một vùng đất từng đau thương nay rạng rỡ vươn mình.
Vừa trở về từ Côn Đảo trong chuyến du lịch đầu tháng 4, anh Nguyễn Hải Long (TP Hà Nội) vẫn vẹn nguyên cảm xúc và ấn tượng về vùng đất thiêng này. "Tôi đã từng nghe nhiều về Côn Đảo nhưng phải đến tận nơi, tận mắt chứng kiến các di tích như chuồng cọp, nhà tù, nghĩa trang… mới thực sự cảm nhận được chiều sâu của những mất mát, hy sinh mà các thế hệ cha anh đã trải qua. Mỗi bước chân là một lần chạnh lòng và biết ơn" - anh Long chia sẻ.
Đối với nhiều du khách, Côn Đảo không chỉ là một điểm đến du lịch mà còn là một hành trình trải nghiệm tinh thần, nơi con người tìm về với tự nhiên, với lịch sử và với chính mình. Chính những giá trị ấy đang làm nên thương hiệu khác biệt cho Côn Đảo trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Hoang sơ hiếm có
Những năm gần đây, Côn Đảo liên tục xuất hiện trên các tạp chí du lịch quốc tế và được bình chọn vào top những hòn đảo hoang sơ, bình yên và đẹp nhất thế giới. Sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng của địa phương, cùng sự vào cuộc của các doanh nghiệp du lịch nước ngoài đã mở ra kỷ nguyên mới cho mảnh đất này.
Đặc biệt, trong những năm qua, Côn Đảo quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường như một trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển bền vững. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên vốn rất phong phú và nhạy cảm của đảo, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong việc sống hài hòa với thiên nhiên. Nhiều chương trình thu gom rác thải ven biển, hạn chế sử dụng túi ni-lông, khuyến khích du khách và người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đã được thực hiện rộng rãi. Các cơ sở lưu trú và doanh nghiệp du lịch cũng được yêu cầu tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về xả thải, bảo vệ rừng, không xâm phạm khu vực sinh sản của các loài động vật quý hiếm như rùa biển, yến đảo...
Vườn quốc gia Côn Đảo, nơi bảo tồn hơn 20.000 ha rừng và biển đã trở thành biểu tượng của nỗ lực gìn giữ thiên nhiên, không chỉ bảo vệ môi trường sống cho hàng trăm loài động vật, thực vật quý hiếm mà còn là điểm đến sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhờ vào các chính sách bảo vệ môi trường hiệu quả, Côn Đảo giữ được nét nguyên sơ, trong lành, yếu tố tạo nên sức hút riêng biệt cho hòn đảo này trong xu hướng du lịch xanh và bền vững của thế giới hiện đại.