Cắm cờ giải phóng trên nóc chợ Bến Thành

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, người dân trên mọi miền Tổ quốc lại trào dâng niềm tự hào, xen lẫn bao cảm xúc, nhớ về những ngày tháng không bao giờ quên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Trong dòng chảy ký ức hào hùng ấy cho đến ngày nay, có hình ảnh một lá cờ giải phóng kiêu hãnh tung bay trên nóc chợ Bến Thành trong ngày toàn thắng.

Thật may mắn khi nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày toàn thắng, thế hệ trẻ hôm nay vẫn còn được gặp lại một số nhân chứng lịch sử. Họ là những con người trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng 30-4. Một trong những nhân chứng lịch sử đó là bà Phan Thị Bé Tư (bí danh: Phan Thị Định, sinh năm 1948) nữ cựu tù Côn Đảo và ông Trần Văn Oanh (bí danh: Trần Văn Dửng, sinh năm 1952). Khi ấy, cả bà Tư và ông Oanh đều thuộc liên quận 2-4 (Phân khu 3 Sài Gòn-Gia Định).

Kể về những ngày cuối cùng của tháng Tư lịch sử năm 1975 và câu chuyện cắm cờ giải phóng trên nóc chợ Bến Thành, bà Phan Thị Bé Tư nhớ lại: Đêm 28-3-1975, một nhóm thuộc liên quận 2-4 nhận lệnh bí mật hành quân từ xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang về Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Cuộc hành quân ròng rã đúng một tháng hai ngày. Khi cả nhóm tập kết ở Hố Bần (nằm ở phía Nam quận 8, tiếp giáp với huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh ngày nay) thì gặp một bãi sình lầy lớn. Chỉ huy ra lệnh: “Những đồng chí nữ không biết bơi phải ở lại”. Vì có khả năng bơi lội và thông thuộc đường phố Sài Gòn nên bà Tư đề xuất chỉ huy cho phép tiếp tục hành quân chiến đấu. Và bà là người phụ nữ duy nhất được phép tiếp tục hành quân, vượt bãi sình lớn để tham gia đội hình chiến đấu.

 Bà Phan Thị Bé Tư (ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng đội là cựu tù Côn Đảo. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bà Phan Thị Bé Tư (ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng đội là cựu tù Côn Đảo. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đến khoảng 1 giờ sáng 30-4-1975, các đồng chí liên quận 2-4 của nhóm bà Tư đến được khu vực Quốc lộ 50 và gặp được đội của ông Trần Văn Oanh. Sau khi hội quân, nhiệm vụ cấp bách là triển khai đào công sự cắt ngang con đường huyết mạch. Mục tiêu để ngăn chặn quân địch từ miền Tây tràn vào Sài Gòn, đồng thời tạo lá chắn bảo vệ lực lượng quân ta nếu bị tấn công.

11 giờ 30 phút ngày 30-4, tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng lan nhanh đến đơn vị. Niềm vui như vỡ òa. Ai cũng nghẹn ngào, xúc động. Sau khoảnh khắc hạnh phúc, lực lượng của bà Tư tiếp tục nhận nhiệm vụ: Tiến về tiếp quản quận 2. Trên đường đi, đơn vị được người dân địa phương chỉ dẫn lối tắt. Buổi trưa hôm ấy, đơn vị đến được trước cửa Nam chợ Bến Thành. Ông Đoàn Văn Lần (bí danh Bảy Sang), một thành viên trong đội, chợt nảy ra ý nghĩ cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại đây. Ngay lập tức, bà Tư rút là cờ trong gùi đưa cho ông Bảy Sang. Bà Phan Thị Bé Tư xúc động hồi tưởng: “Các nữ tù chính trị chúng tôi đều biết cách giấu lá cờ rất kỹ. Chúng tôi mặc đồ bà ba đen nên may thêm nhiều lớp bên trong để giấu lá cờ. Ngày 30-4-1975, tôi có cơ hội được giữ lá cờ thiêng liêng, từng hành quân miệt mài 32 ngày đêm về Sài Gòn, khi đi mang theo vỏn vẹn 3 bộ quần áo cũ, lấm lem mồ hôi và đất bùn; nhưng nhất định phải giữ lá cờ thật sạch sẽ!”.

Nhớ lại lúc trước khi lực lượng hành quân vào Sài Gòn, bà Tư đã được bà Ba Hà, Bí thư quận 2 ngày ấy, trao cho lá cờ thiêng liêng cùng lời dặn dò: “Khi nào cần thiết, quan trọng thì hãy treo lá cờ giải phóng lên”. Giờ phút này, bà Tư cảm nhận rõ thời khắc đã đến.

Theo lời ông Oanh và bà Tư, 4 người được chọn để thực hiện nhiệm vụ này gồm: Ông Trần Văn Oanh, người trẻ nhất, có khả năng leo trèo giỏi nhất; bà Phan Thị Bé Tư, người mang lá cờ; ông Đoàn Văn Lần và một đồng chí tên Dũng (không rõ họ tên). Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm chiến tranh, hy sinh, gian khổ nay hiên ngang tung bay trên nóc chợ Bến Thành, báo hiệu ngày chiến thắng vĩ đại đã đến với nhân dân Sài Gòn sau bao nhiêu năm dằng dặc chờ mong...

Ngay khi lá cờ được cắm lên nóc chợ Bến Thành, dưới đường, hàng trăm người dân túm tụm vây quanh. Người vui mừng hạnh phúc, người lo lắng, tò mò xem chuyện gì xảy ra. Liệu “có ai bị chặt tay, chặt chân, tra tấn như lời tuyên truyền của ngụy quân, ngụy quyền trước đây?”. Biết được tâm lý của mọi người, bà Tư nhanh chóng lấy chiếc loa cầm tay, giọng vang lên trấn an: “Đồng bào ơi! Chúng tôi là bộ đội, là người của cách mạng, về đây giải phóng cho đồng bào, đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược. Hôm nay, đất nước ta đã giải phóng, không còn bóng quân thù. Cô bác cứ yên tâm, bên cạnh chúng tôi còn có Quân giải phóng sẽ luôn chăm lo cho cuộc sống của cô bác”.

Tiếng loa vừa dứt, bà con ào đến phía lực lượng liên quận 2-4 chúc mừng. Gương mặt ai nấy rạng rỡ. Người tặng đồ ăn, người cho thức uống, rồi nhiều câu hỏi lo lắng liên tục lặp đi lặp lại: “Còn đánh nhau không, đã hết chiến tranh chưa cô chú?...”.

Đó là niềm tự hào và ký ức không thể nào quên của người nữ cựu tù Côn Đảo, cũng như những chiến sĩ cách mạng kiên cường trong nhóm cắm cờ tại chợ Bến Thành thuộc liên quận 2-4 (Phân khu 3 Sài Gòn-Gia Định) ngày ấy. “Lúc tôi bị địch bắt và giam cầm ở lao tù Côn Đảo, tôi đã thêu lên chiếc ga trải giường của mình những bông hồng đỏ thắm cùng dòng chữ “Đất nước thanh bình, gia đình hạnh phúc”, bày tỏ khát vọng đất nước được thống nhất, hòa bình. Hiện vật này được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo. Sau khi ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng, tôi được cùng đồng đội cầm lá cờ giải phóng cắm trên nóc chợ Bến Thành vào ngày 30-4-1975 là một niềm hạnh phúc, tự hào suốt cả cuộc đời tôi", bà Phan Thị Bé Tư xúc động chia sẻ.

TRẦN THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cam-co-giai-phong-tren-noc-cho-ben-thanh-826081
Zalo