Về nhà báo Nhật hy sinh trên chiến trường Lạng Sơn 1979

Trải qua 46 năm song tâm trí của cựu chiến binh Nông Văn Đuổng vẫn còn hằn ghi khoảnh khắc nhà báo Nhật Bản Isao Takano ngã xuống trên mảnh đất xứ Lạng khi đang tác nghiệp tại thị xã Lạng Sơn, tháng 3/1979.

Ký ức của người lính trận

Cứ dịp đầu xuân mới, người lính già Nông Văn Đuổng (SN 1942) trú tại đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn lại ra khu vực phường Chi Lăng bên bờ phía Nam sông Kỳ Cùng để hồi hướng về một người bạn quốc tế.

Mặc dù đã bước sang tuổi 83 nhưng ông Đuổng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông cho biết: Ngày 7/3/1979, sau khi quân xâm lược rút lui, thị xã Lạng Sơn chỉ còn lại những cảnh đổ nát, hoang tàn.

Khi được Chính ủy mặt trận thị xã Lạng Sơn Triệu Việt Vương đồng ý, hai nhà báo gồm ông Takano và Nakamura, một người phiên dịch tên Thanh được đi sâu vào thị xã Lạng Sơn. Khi đó, ông Đuổng là Đại úy được Quân khu 1 điều về tăng cường cho Thị ủy Lạng Sơn và nhận nhiệm vụ đưa đoàn nhà báo quốc tế đi thực tế. Ông tiếp cận nhà báo Takano ở quốc lộ 1A cũ, cách thị xã Lạng Sơn 8 km.

Trước khi vào thị xã Lạng Sơn, ông Đuổng mang theo 1 khẩu AK với 350 viên đạn, 5 quả lựu đạn, 1 khẩu K54, 1 bình tông nước để tháp tùng đoàn. Đến Km4 thì bị pháo địch từ khu vực Chi Mạc, xã Hoàng Đồng bắn dồn dập buộc mọi người phải ra khỏi xe, tránh pháo…

Có quả pháo nổ cách xe khoảng 30m, sợ nhà báo Takano trúng đạn, ông Đuổng nằm đè lên che chắn, nhưng nhà báo này thản nhiên nói: “Tôi không sao, vì nhiệm vụ, lúc nào cũng sợ thì làm sao vào được thị xã. Có hy sinh cũng vì chân lý, vì nhân dân Việt Nam”.

“Ngày ấy tôi ngồi cùng xe với nhà báo Takano. Mặc dù quân chính quy rút đi, nhưng thám báo và đơn vị hỗ trợ của địch vẫn còn trong thị xã. Sau khi loạt đạn pháo của địch dứt, tôi nhanh chóng dẫn đoàn nhà báo tiến đến hang Chùa Tiên ở phường Chi Lăng tránh đạn.

Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, 2 chiếc xe chở các nhà báo lăn bánh và dừng lại trước cửa Thị ủy Lạng Sơn. Lúc đó, người dân thị xã đã sơ tán nên khung cảnh rất vắng lặng. Trước cửa Thị ủy, nhà báo Takano bấm máy chụp liên tiếp, thi thoảng phía bên đầu cầu Kỳ Cùng, địch bắn tới đì đoàng… Bất chợt tôi hỏi Takano đến Việt Nam, đi vào nơi pháo đạn làm gì, ông ấy bảo “sang Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi.

Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chúng tôi phải đứng về phía chính nghĩa. Nếu phải hy sinh là tất nhiên vì sự nghiệp. Sau đó, Takano kể về những nơi mình đã đi qua, kể về gia đình, về người vợ Michico và đặc biệt là nỗi nhớ cô con gái nhỏ ở Nhật, rồi ân cần hỏi thăm tôi và gia đình”, ông Đuổng nhớ lại và kể.

Theo ông Đuổng, trong lúc di chuyển trong thị xã Lạng Sơn, có những loạt đạn bắn về phía đoàn xe Uoát. Mọi người trong cả 2 xe đều nhảy xuống tìm chỗ ẩn nấp. Đuổng dùng súng AK chống trả và bị thương ở tay trái.

Nhà báo Takano đã vào chỗ an toàn nhưng khi thấy chiến sỹ Việt Nam tiếp tục chiến đấu, anh lại lao lên chụp ảnh. Ông Đuổng chưa kịp hô gọi quay lại thì Takano đã trúng đạn, hy sinh ở khu vực gần trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn bây giờ.

Nhà báo Takano (giữa) trên đường vào thị xã Lạng Sơn tháng 3/1979. Ảnh: tư liệu

Nhà báo Takano (giữa) trên đường vào thị xã Lạng Sơn tháng 3/1979. Ảnh: tư liệu

Loạt đạn định mệnh bên kia sông Kỳ Cùng vào ngày 7/3/1979 đã cướp đi cuộc sống của người phóng viên quả cảm. Khi hy sinh, tay Takano vẫn cầm chặt máy ảnh. Bên trong thị xã lúc bấy giờ vẫn còn nhiều thám báo của địch nên chúng rất manh động, hung hãn. Phải đến gần nửa đêm hôm đó thi thể nhà báo mới được đưa ra khỏi hiện trường để trưa ngày 8/3/1979 được đưa về Hà Nội.

Sáng ngời

Nhà báo Takano Isao sinh năm 1943 tại thành phố Kobe, Nhật Bản. Ông là sinh viên khoa tiếng Việt (Đại học Tổng hợp Hà Nội) từ năm 1967-1971 và tham gia đưa tin về chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến phía Bắc với tư cách đặc phái viên báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản của Nhật Bản.

Năm 1979, khi chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra, ông được cử đến Lạng Sơn với tư cách phóng viên đặc vụ. Những bài viết của nhà báo Takano đã góp phần rất lớn trong việc phơi bày, tố cáo hành động phi nghĩa của quân xâm lược.

Trong mắt những người đồng nghiệp, Takano luôn là người gần gũi, thân thiện. Nhà báo Dương Kỳ Anh (nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong) cho biết, năm 1979, ngay sau khi Trung Quốc đơn phương mở cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam, báo Tiền Phong đã cử một nhóm phóng viên đến các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… để đưa tin từ chiến trường.

Dương Kỳ Anh được cử đến đưa tin tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nơi cuộc chiến chống quân xâm lược diễn ra ác liệt nhất. “Hôm đó là ngày 7/3/1979, tôi cùng nhiều nhà báo trong và ngoài nước ngồi trên một số xe ô tô được bộ đội chở đến các địa điểm để tác nghiệp. Lúc sáng gặp nhau, tôi và Takano còn chào nhau. Takano nói được tiếng Việt khá tốt. Ông ấy rất xông xáo, đầy quyết tâm đến các điểm nóng nhất để đưa tin.

Takano là phóng viên chiến trường, đã đến nhiều địa phương ở ta để tác nghiệp. Anh cũng đã tham gia đưa tin trong cuộc chiến chống Pol Pot của Campuchia, chứng kiến tận mắt vai trò to lớn của quân đội Việt Nam trong sứ mệnh giải phóng đất nước Chùa Tháp…”, ông Dương Kỳ Anh kể lại.

Máy ảnh của nhà báo Takano tác nghiệp ở Lạng Sơn. Ảnh: tư liệu

Máy ảnh của nhà báo Takano tác nghiệp ở Lạng Sơn. Ảnh: tư liệu

Bia mộ Takano ở nghĩa trang liệt sỹ Hoàng Đồng. Ảnh: Duy Chiến

Bia mộ Takano ở nghĩa trang liệt sỹ Hoàng Đồng. Ảnh: Duy Chiến

Còn nhà báo Hà Nghiên, nguyên Tổng biên tập báo Lạng Sơn chia sẻ: Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, những dòng tin, bức ảnh của các nhà báo quốc tế như Takano đã cho thế giới thấy được những tội ác của quân xâm lược gây ra với đồng bào, chiến sĩ các tỉnh miền núi phía Bắc. Chính từ những dòng tin ấy, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã lên án hành vi của quân xâm lược, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chính nghĩa.

“46 năm đã trôi qua, những khác biệt quá khứ đã được khép lại để hướng tới tương lai. Nhưng những người đã dũng cảm hy sinh như nhà báo Takano sẽ được nhớ mãi trong trái tim của người dân Việt Nam”.

Nhà báo Hà Nghiên, nguyên Tổng Biên tập báo Lạng Sơn

Sau chiến tranh, từ vết đạn bắn vào tay, ông Nông Văn Đuổng là thương binh hạng 2/4. Dịp kỷ niệm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông lại cài lên ngực chiếc huy hiệu thương binh để đến thăm người bạn đặc biệt của ông ở Nghĩa trang liệt sỹ Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn.

Sau khi thắp từng nén nhang cho các đồng đội, ông Đuổng tiến về phía tấm bia tưởng niệm có hình ngọn bút vươn trời đề tên “Đồng chí Isao Takano - Phóng viên báo Hakahata (Nhật Bản) đã hy sinh tại thị xã Lạng Sơn ngày 7/3/1979”.

Chạm tay vào bia tưởng niệm, ông Đuổng như nghe trong gió thoảng lời ca “Chân lý rồi sẽ toàn thắng, tình anh còn mãi nồng thắm. Đẹp thay tuổi xuân Takano…” - đó là một đoạn trong bài hát “Takano - Nhân chứng quả cảm” được cố nhạc sĩ Phó Đức Phương viết năm 1979 để vinh danh tinh thần quả cảm của một nhà báo chân chính…

Xứ Lạng, tháng Giêng 2025

Nguyễn Duy Chiến

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ve-nha-bao-nhat-hy-sinh-tren-chien-truong-lang-son-1979-post1717574.tpo
Zalo