Trao tặng tin yêu
Một buổi sáng đẹp trời, những tấm bảng tượng trưng được trao tặng, góp thêm niềm tin vào tương lai tương sáng cho chủ nhà, trước khi lễ khởi công xây dựng căn nhà được thực hiện.

Bí thư Thành ủy Long Xuyên Huỳnh Quốc Thái thăm hỏi bà Lê Thị Kiệu
Đền ơn đáp nghĩa
Ông Cao Văn Bảnh (sinh năm 1909, ngụ khóm Bình Thới 2, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) tập kết ra Bắc, tham gia cả 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 2000, ông qua đời, hoàn thành cuộc đời vẻ vang của người chiến sĩ. Cô con gái duy nhất Cao Thị Mẫn bước vào tuổi 62, ngày ngày chăm sóc mẹ già Lê Thị Kiệu (90 tuổi). Là gia đình chính sách, họ được nhận nhiều chế độ, ưu đãi, sự quan tâm của toàn xã hội. Những dịp lễ, Tết, căn nhà nhỏ bé đều đông đủ người đến thăm hỏi, động viên.
Nhưng điều băn khoăn lớn nhất của bà Mẫn hiện giờ là căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Được xây cất năm tròn 50 năm trước, căn nhà đi cùng họ qua bao thăng trầm, dần lão hóa cùng họ. “Tôi tu bổ, sửa chữa nhà mấy lần, nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp không cho phép sửa chữa lớn. Đắp chỗ này, vá chỗ kia tạm bợ, chứ không thể cất mới lại. Mẹ tôi già yếu, mù lòa, đi đứng khó khăn. Tôi sống tạm đủ nhờ đồng lương hưu, chưa tìm được khoản nào để lo cho căn nhà. Sợ nhất cảnh mẹ già trú ngụ trong căn nhà hư mục, nguy hiểm vô cùng. Thấy vậy, tôi quyết định bày tỏ gia cảnh đến UBND phường, nhờ hỗ trợ cất sửa lại căn nhà lành lặn hơn” - bà Mẫn chia sẻ.
Bà không ngờ, lời yêu cầu của mình được ghi nhận, giải quyết rất nhanh chóng. Vừa qua Tết Nguyên đán ít ngày, địa phương chọn ngày tổ chức khởi công cất mới căn nhà Tình nghĩa. Kinh phí xây dựng căn nhà trên 100 triệu đồng, trong đó Quỹ Đền ơn đáp nghĩa phường hỗ trợ 60 triệu đồng, phần còn lại gia đình bà đóng góp thêm. Giây phút làm lễ khởi công nhanh chóng không kém, bỏ qua những chi tiết, thủ tục rườm rà, chừa lại tình cảm ấm áp dành cho nhau.
“Chúng tôi xác định, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, địa phương luôn quan tâm chăm lo gia đình chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần, để các hộ an cư, lạc nghiệp. Dịp này, chúng tôi chọn xây cất nhà Tình nghĩa cho hộ bà Lê Thị Kiệu, làm công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2025 - 2030” - Bí thư Đảng ủy phường Bình Khánh Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.

Ông Lê Thành Mẫn trao kinh phí hỗ trợ bà Nhạn
“Vui sao nước mắt lại trào”
Ông Lê Thành Mẫn (Nhóm Thiện nguyện TP. Long Xuyên) thốt lên câu hát ấy, khi nhìn bà Nguyễn Thị Nhạn (ngụ khóm Bình Khánh 1) rưng rưng nước mắt trong ngày khởi công xây dựng nhà. “Trong không khí ấm áp này, chúng tôi cảm nhận rõ nét niềm vui nối tiếp niềm vui của những người làm công tác thiện nguyện. Mỗi lần chung tay, chúng tôi lại nối tiếp giúp đỡ thêm một mảnh đời bất hạnh được có mái ấm khang trang. Phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, mà còn kết nối yêu thương giữa cấp ủy, chính quyền, địa phương với bà con nghèo” - ông bày tỏ, khi trao 20 triệu đồng ủng hộ vào mái nhà tình nghĩa dành cho bà Nhạn.
Bà Nhạn khóc bởi niềm vui quá đỗi to lớn bỗng trở thành hiện thực. “Nhà có 4 anh, chị, em, nhưng ai cũng có cảnh khổ riêng, cuộc sống riêng, khó giúp đỡ lẫn nhau. Tôi và người em Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1966) cùng sống chung trong căn nhà cha mẹ để lại. Cha mẹ mất đã lâu, căn nhà xuống cấp, mục nát nhiều chỗ, “sổ cận nghèo” cũng theo đó mà giữ tới bây giờ. Trước đây, tôi đi làm lò gạch. Không may, bệnh ở chân kéo dài, dẫn đến tật nguyền, đi lại khó khăn, không thể lao động kiếm sống. Tất cả thu nhập đều trông chờ vào việc chạy xe Honda đầu của em trai, lúc có lúc không, đâu dám nghĩ đến chuyện cất sửa nhà” - bà tâm sự.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên TV đã đến tận nhà họ. Bà lo vay mượn 10 triệu đồng góp vào, còn lại nhờ sự chung tay giúp đỡ của nhà hảo tâm, chính quyền địa phương. Căn nhà gần 40m2 của chị em bà mỗi ngày ra hình ra dáng hơn một chút. “Toàn bộ quá trình cất sửa đều do địa phương đứng ra lo liệu. Ban ngày, tôi chạy xe kiếm sống. Buổi trưa, tôi tranh thủ về coi tiến độ cất nhà, mừng dữ lắm. Có cái nhà này rồi, chị em tôi vững tâm mà sống hơn trước” - ông Thành bày tỏ.
Câu chuyện của gia đình bà Kiệu, bà Nhạn dù khác nhau, nhưng cùng chung niềm tin yêu vào điều tốt đẹp trong cuộc đời. Vẫn luôn có những bàn tay gắn kết, sẻ chia khó khăn, nhân lên truyền thống đoàn kết, “Tương thân tương ái” của người Việt.