Về một số từ láy trơ tráo, trơ trẽn, trơ trọi
Trong chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã phân tích nghĩa của các yếu tố cấu tạo từ trong một số từ láy gốc Hán: mông muội, mộng mị, mơ mòng. Trong bài này, chúng tôi sẽ phân tích nghĩa đẳng lập của một số từ ghép bị nhận lầm là từ láy: trơ tráo, trơ trẽn, trơ trọi. (Phần để trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn của Từ điển từ láy tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên; phần xuống dòng là phân tích của chúng tôi):

-“TRƠ TRÁO tt. Trơ lì, không còn biết hổ thẹn. Đã phạm lỗi còn trơ tráo cãi lại. Thái độ trơ tráo. “Đôi mắt nó vẫn hoang rợ đần ngu, nhưng đã mất đi vẻ lầm lì trơ tráo” (Ma Văn Kháng)”.
Trơ tráo là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó, trơ nghĩa là không biết xấu hổ, không biết ngượng, không chút phản ứng trước sự tác động từ bên ngoài (như trơ mặt; Trơ mắt ếch); tráo nghĩa là trố, cách nhìn trân trân tựa như trơ lì ra (như Nó cứ tráo mắt lên nhìn tôi; Tìm tráo mắt lên không thấy).
Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) mục “trơ” giảng là “Lì-lợm, không biết xấu-hổ”, và lấy ví dụ “Trơ mặt; ai nói gì cũng trơ ra đó!”; mục “tráo” giảng “Trố, cách nhìn chòng-chọc”, và lấy ví dụ “Trao-tráo, trân-tráo, trơ-tráo; tráo mắt nhìn”.
Như vậy, trơ tráo là từ ghép đẳng lập không phải từ láy.
- “TRƠ TRẼN tt. Tỏ ra lì không biết hổ thẹn, đến mức lố bịch, đáng ghét. Bộ mặt trơ trẽn của tên lưu manh. Ăn mặc kệch cỡm trơ trẽn. Thái độ trơ trẽn”.
Trơ trẽn là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó trơ có nghĩa là trơ lì, không biết ngượng (như trơ tráo; trơ trơ; Nói mãi mà vẫn trơ ra đó.); trẽn nghĩa là xấu hổ (như trẽn mặt; Cô kia mặt trẽn, mày trơ/ Vàng đeo, bạc quấn cũng dơ dáng đời - Ca dao). Trơ trẽn là trơ ra, không biết xấu hổ:
- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex) giảng “trơ” nghĩa 3 là “tỏ ra không biết hổ thẹn, không biết ngượng trước sự chê bai, phê phán của người khác” và lấy ví dụ “con bé đến trơ ~ nói thế mà nó vẫn trơ ra ~ mặt trơ như mặt thớt. Đn: trơ tráo, trơ trẽn”; mục “trẽn” từ điển này giảng là “ngượng, xấu hổ”, và lấy ví dụ “cười cho đỡ trẽn”.
Như vậy, trơ trẽn là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
- “TRƠ TRỌI tt. Lẻ loi, chỉ có một mình, không có ai, không còn chỗ dựa chung quanh. Túp lều trơ trọi giữa đồng. “Những người đứng xem về cả rồi, hẳn thấy hình như trơ trọi” (Nam Cao). Sống cô đơn, trơ trọi một mình”.
Trơ trọi/ trơ trụi là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại] trong đó trơ nghĩa là lẻ loi, còn lại một mình (như: ngồi trơ; Còn trơ lại một mình; “Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới/ Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ” - Ngọ - Nhật kí trong tù - Hồ Chí Minh); trọi nghĩa là trụi, hết sạch, chỉ chơ vơ một mình (như: ngồi trọi; trọc trọi; Hết trơ hết trọi rồi; Gà trọi hết lông).
Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức), mục “trơ” giảng nghĩa 2 là “Trọi một mình không bấu víu vào đâu cả”, và lấy ví dụ “Cái quán đứng trơ giữa đồng. Còn trơ một mình”; mục “trọi” giảng là “Trụi, hết sạch, không còn tý gì nữa”, và lấy ví dụ “Hết trọi. Trơ trọi. Núi trọi”.
Như vậy, xét nghĩa đồng đại, tất cả các thành tố cấu tạo từ của trơ tráo, trơ trẽn, trơ trọi đều có khả năng độc lập trong hành chức, bởi vậy, đây đều là những từ ghép đẳng lập, chứ không phải từ láy.