Về miền Tây thăm 'Vườn ông Sáu Dân'

Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là 'Vườn ông Sáu Dân'.

Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nghe giới thiệu được đến thăm “Vườn ông Sáu Dân”, chúng tôi hồi hộp chờ đợi. Và có lẽ ấn tượng đầu tiên khi đến với nơi này, đó là khối đá khắc dòng chữ “Vườn ông Sáu Dân”, bức phù điêu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các em thiếu nhi, tảng đá lớn in câu nói nổi tiếng của ông “Không ai chọn cửa để sinh ra”. Theo lời của hướng dẫn viên, chúng tôi được biết khu lưu niệm được xây dựng năm 2010, đặt trên mảnh đất mang tên Vũng Liêm, nơi chôn nhau cắt rốn của cố Thủ tướng. Công trình là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, đã được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích quốc gia, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng (23/11/1922 - 23/11/2022).

Đoàn Báo Bình Thuận thăm “Vườn ông Sáu Dân”.

Đoàn Báo Bình Thuận thăm “Vườn ông Sáu Dân”.

Đến phòng trưng bày, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đó là một không gian mở, với những thiết bị kỹ thuật hiện đại cung cấp thông tin, hình ảnh, giọng nói sinh động về cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “À, ông Sáu Dân đây rồi”, chúng tôi đã thốt lên khi áp chiếc tai nghe đầu tiên vào tai. “Tôi tên thật là Phan Văn Hòa… Hồi đó có một ông giáo trong làng tổ chức dạy 15 đứa học trò. Ông cho học không, ông dạy chữ Nho… Sau đó, có trường dòng của nhà thờ ở xóm Trung Hưng, mang máng khoảng trên 6 tháng, toàn là học đạo, học kinh…" – giọng nói ấm áp của cố Thủ tướng vang lên khi nói về mình.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” là một không gian mở, cung cấp tri thức cho những ai muốn nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nơi đây được sắp xếp theo từng chủ đề riêng biệt, như: Dạ tôi là Sáu Dân; Nghe ngược, nghe xuôi; Xé rào; Đột phá; Văn hóa; Tương lai thuộc về giới trẻ; Một đời người, một rừng cây; Nụ cười Sáu Dân... Mỗi chủ đề đều thể hiện một dòng chảy về một đời người mang tên là Sáu Dân. Tại các vị trí trưng bày còn có nhiều tai nghe không dây, màn hình… du khách chỉ cần bấm nút sẽ được nghe lại giọng nói, phát biểu hoặc những đoạn ghi âm, hoặc những thước phim về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Và điều làm chúng tôi ngắm nhìn mãi là ở cuối căn phòng, cố Thủ tướng đứng đó với chiếc áo khoác và mũ phớt quen thuộc, khuôn mặt khuất sau chiếc máy ảnh. "Ba điều tôi thích: Yêu thiên nhiên, cảnh vật, thích thể thao và thích chụp ảnh. Khi không còn làm Thủ tướng, tôi sẽ cố gắng có một ngày trong tuần để đi chụp ảnh và mong sao có được một bức ảnh đẹp...", giọng ông một lần nữa vang lên.

Không chỉ được nghe nhiều mẩu chuyện về ông Sáu Dân, tại đây chúng tôi còn được thưởng thức những thước phim ngắn tái hiện tầm vóc, bản lĩnh, nhân cách Võ Văn Kiệt. Và được Ban Quản lý chiêu đãi tiệc bánh dân gian với những loại bánh mà khi sinh thời, cố Thủ tướng rất thích ăn.

Có thể nói, từng tư liệu, từng hiện vật quý giá ở “Vườn ông Sáu Dân” đã giúp chúng tôi hiểu hơn về một tầm vóc lịch sử đất nước - mà gần gũi thân thương với con người.

NGỌC DIỆP

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ve-mien-tay-tham-vuon-ong-sau-dan-125955.html
Zalo