Tái hiện câu chuyện Thái hậu Dương Vân Nga tại Lễ khai mạc Festival Ninh Bình 2024

Câu chuyện về Thái hậu Dương Vân Nga là một điểm nhấn trong chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Ninh Bình 2024.

 NSƯT Như Huỳnh trong vai Thái hậu Dương Vân Nga với tà áo dài trải hàng trăm bậc trên sân khấu, được mapping hình ảnh phượng và vân mây

NSƯT Như Huỳnh trong vai Thái hậu Dương Vân Nga với tà áo dài trải hàng trăm bậc trên sân khấu, được mapping hình ảnh phượng và vân mây

Tối 24/11, Lễ khai mạc Festival Ninh Bình 2024 đã được tổ chức tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, TP Ninh Bình. Tham dự lễ khai mạc có ông Lê Hoài Trung -Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; ông Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình - cùng gần 10.000 khán giả, du khách, người dân.

Với chủ đề Vàng son một thuở cố đô, chương trình nghệ thuật khai mạc gồm có 5 chương: Nhất thống, Khải hoàn, Hưng thịnh, Mở cõi, Hội tụ. Tham gia biểu diễn là 800 diễn viên, ca sĩ, diễn viên quần chúng, trong đó có nhiều tên tuổi như: NSND Mai Thủy, NSƯT Như Huỳnh, NSƯT Thiện Tùng, NSƯT Văn Khuê, ca sĩ Tùng Dương, ca nương Kiều Anh, ca sĩ Quách Mai Thy… Chương trình được dàn dựng như một bộ phim cổ trang dã sử, tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng, "giải mã" những câu chuyện ẩn sâu dưới lớp trầm tích lịch sử rực rỡ của Cố đô Hoa Lưa xưa.

Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình là tái hiện câu chuyện về Thái hậu Dương Vân Nga. NSƯT Như Huỳnh trong vai Thái hậu Dương Vân Nga bước từ dưới sân khấu lên trên cung điện, mỗi bước trên bậc thang đều là những giằng xé nội tâm, cho thấy nỗi lòng ngổn ngang của bà trước thân phận mình và vận mệnh đất nước để có một quyết định mang tính đại nghiệp.

Cảnh Thái hậu Dương Vân Nga trao long cổn cho tướng Lê Hoàn

Cảnh Thái hậu Dương Vân Nga trao long cổn cho tướng Lê Hoàn

Với sự nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử, Tổng đạo diễn - tác giả kịch bản Lê Hải Yến cho biết, chị đã mạnh dạn "minh oan" cho Thái hậu Dương Vân Nga trên sân khấu Vàng son một thuở cố đô. Câu chuyện mà Lê Hải Yến kể như muốn soi tỏ hơn một đoạn "mây mù" của lịch sử. Chương trình cũng làm rõ hình ảnh Thái hậu trao long cổn cho tướng Lê Hoàn là trao một sứ mệnh, một trọng trách của non sông đất nước. Sau này thắng giặc ngoại xâm, vua Lê Hoàn trở về mới lên ngôi, thực sự chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Lê.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ, để viết nên tiết mục này, ngoài đọc sách sử, tham khảo ý kiến chuyện gia, chị đã có nhiều chuyến công tác đến với những nơi thờ tự Thái hậu để tìm hiểu. Và, chị cũng từng đặt mình vào vai người phụ nữ đặc biệt đó để hiểu những uẩn khúc, những nỗi niềm của bà.

"Quyết định của Thái hậu Dương Vân Nga là sự hy sinh cùng nỗi đau đớn trong lòng mà bà phải chịu đựng. Người phụ nữ đó có nghị lực và bản lĩnh phi thường để có thể đưa ra những quyết định liên quan tới vận mệnh của giang sơn. Nếu không có mạch nối như vậy thì chúng ta không giữ được bờ cõi, lại tiếp tục bị xâm lược. Tôi mong qua đó khán giả hiểu được hoàn cảnh đó và tri ân bà", Tổng đạo diễn Lê Hải Yến bày tỏ.

Hình ảnh những chiếc thuyền rồng lướt qua sân khấu

Hình ảnh những chiếc thuyền rồng lướt qua sân khấu

Ngoài câu chuyện về Thái hậu Dương Vân Nga, chương trình nghệ thuật Vàng son một thuở cố đô còn gây ấn tượng với các cảnh thủy chiến, khải hoàn, dời đô của vua Lý Thái Tổ từ sông Hoàng Long - sông Đáy - sông Châu - sông Hồng - sông Tô Lịch đến Thăng Long; hoạt cảnh tái hiện buổi yến tiệc trong Đại nội kinh thành Huế…

Chương trình cũng khắc họa một hình ảnh Ninh Bình nơi sở hữu Quần thể danh thắng Tràng An - di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên do UNESCO công nhận, nơi sở hữu những trầm tích lịch sử, nơi mở đầu thời kỳ văn hiến trong những năm tháng huy hoàng và vàng son đầu tiên của lịch sử độc lập dân tộc. Ngày hôm nay, đây là nơi hội tụ những di sản văn hóa, âm nhạc dân tộc, không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử, nét đẹp của Việt Nam mà còn thúc đẩy du lịch, thương mại, phát triển kinh tế - xã hội.

Một loạt các loại hình âm nhạc dân tộc đã được thể hiện mới mẻ, vẫn giữ nguyên hồn cốt của nghệ thuật truyền thống nhưng được thổi vào đó sự tươi mới của thời đại thực sự cuốn hút khán giả. Các nghệ thuật như: Hát xẩm, Hát xoan, Dân ca Quan họ, Ví Giặm, Xòe Thái, Bài chòi Trung Bộ, Cồng chiêng Tây Nguyên… được trình diễn liên tục trên sân khấu vừa có đặc trưng riêng, vừa hòa quyện vào nhau như sự đoàn kết của các dân tộc anh em đất Việt, để cuối cùng hội tụ về Ninh Bình.

Sau lễ khai mạc, Festival Ninh Bình năm 2024 sẽ nối tiếp với chuỗi các hoạt động: Không gian Hội quán Dục Thúy Sơn ra mắt từ ngày 26/11 đến ngày 27/11 tại công viên Núi Thúy, TP Ninh Bình; Lễ hội đường phố ngày 29/11 tại Cổng chào vào khu du lịch sinh thái Tràng An, TPNinh Bình; Đại nhạc hội dân gian điện tử như một lời chào kết để Bế mạc Festival Ninh Bình vào 20h ngày 30/11 tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham...

Bảo Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tai-hien-cau-chuyen-thai-hau-duong-van-nga-tai-le-khai-mac-festival-ninh-binh-2024-20241125103833123.htm
Zalo