Về chức danh đốc phủ sứ

Nếu không có dự án bờ kè hữu ngạn sông Đồng Nai phía phường Bửu Long từ cầu Hóa An đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu thì tòa nhà của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh tiếp tục tồn tại trong im lặng... Liên quan đến sự kiện, hai nội dung khác gây chú ý là nhân vật Võ Hà Thanh và chức danh Đốc phủ sứ.

Công trình biên soạn Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thế không có mục từ Võ Hà Thanh. Cuốn Tiểu sử & Hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư cũng không thấy. Truy tìm trên mạng, không phải trang chính thống Wikipedia, có nội dung ngắn gọn: Ông sinh năm 1876, sau khi Pháp chiếm các tỉnh miền Đông 14 năm, người gốc Quảng Ngãi theo cha từ nhỏ vào Biên Hòa lập nghiệp. Ban đầu, từ người làm thuê, ông trở thành người chủ đồn điền cao su và hầm khai thác đá lớn của Biên Hòa, sau thành Đốc phủ sứ. Ngôi nhà được dư luận lên tiếng, xây dựng từ năm 1922 đến năm 1924 hoàn thành, năm ông 48 tuổi.

Về chức Đốc phủ sứ, cuốn Từ điển chức quan Việt Nam của Đỗ Văn Ninh không có chức danh “đốc phủ sứ” mà chỉ có các chức quan qua các triều đại phong kiến là đốc đồng, đốc học,đốc hộ, đốc phủ, đốc thị, đốc trấn, đốc xuất. Mục từ “đốc phủ” được giảng:

Tháng 6 năm Kỷ Mùi (1739) đổi tên chức Trấn thủ, Lưu thủ các trấn gọi là Đốc phủ.

Duy ở Lạng Sơn gọi là Tổng phủ.

Ở Nghệ An vẫn gọi là Đốc suất.

Thời Nguyễn là tên gọi chung hai vị thủ hiến là Tổng đốc và Tuần vũ. Không phải là tên quan chức trong quan chế. (trang 242, sách Từ điển chức quan, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019).

Cuốn Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị, Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, 1967, có mục từ “đốc phủ sứ”, xem “đốc phủ” và giảng có chua (ghi thêm vào cho rõ) tiếng Pháp titre de mandarin (tên gốc Quan thoại), giảng là “Chức quan ở Nam Việt ngày trước, ngang hàng với Tuần phủ ở Trung Việt”.

Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Viện Ngôn ngữ học) giảng: Viên quan cao cấp người Việt Nam, thường đứng đầu bộ máy cai trị một quận ở Nam Bộ thời Pháp thuộc. Theo sách này, chức quan cấp quận, trong khi Tuần phủ là cấp tỉnh.

Cuốn Từ điển Việt - Pháp của Lê Khả Kế và Nguyễn Lân, trang 352, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, có mục từ đốc phủ sứ và giảng tiếng Pháp là chef de province, tức “sếp cấp tỉnh” và chua thêm Sud Vietnam, tức ở Nam Việt Nam.

Xem ra như vậy, chức quan đốc phủ sứ chỉ có ở Nam bộ thời Pháp cai trị. Nhân vật đươc biết đến nhiều là Tôn Thọ Tường từng được bổ nhiệm chức danh này. Wikipedia có mục từ đốc phủ sứ và nhiều nhân vật được bổ nhiệm chức danh này, có nhà văn Hồ Biểu Chánh, ông Dương Văn Mậu (cha Dương Văn Minh), Trần Bá Lộc, Nguyễn Văn Hải là cháu rể anh hùng yêu nước Trương Định…

Có thể tạm hiểu, đốc phủ sứ là một chức quan như cấp bậc và giao giữ chức vụ gì thì tùy, khi đứng đầu cấp tỉnh, khi cấp quận.

TRẦN TRỊ AN

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/ve-chuc-danh-doc-phu-su-33872e7/?v=1.1
Zalo