Nghệ nhân Sình ca Âu Ngọc Như
Đến với điệu hát Sình ca tuy muộn, nhưng ông Âu Ngọc Như, 71 tuổi, thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) luôn đau đáu với bản sắc văn hóa dân tộc. Càng nghiên cứu, tìm hiểu ông càng say, bởi Sình ca không chỉ là lời hát, mà còn ẩn chứa những tri thức về nhiều lĩnh vực của đời sống, thể hiện một tâm hồn phong phú của người hát.
Bởi vậy, bà con trong thôn Giếng Đõ thường gọi ông với cái tên thân thiết “Nghệ nhân Sình ca”. Thôn có 70% số hộ là đồng bào dân tộc Cao Lan, trong những năm qua, bà con vẫn luôn giữ được những nét văn hóa truyền thống, trong đó có hát Sình ca, mà công đầu là nhờ ông Như. Ông Như chia sẻ, từ nhỏ ông đã theo mẹ, các anh, các chị đi nghe hát cả đêm, nhưng lúc đó ông cũng chưa tập hát, chỉ nghe một cách say mê. Đến khi là chàng trai 20 tuổi, thường được chọn là thành viên trong đoàn nhà trai (gọi là Phu) tham gia các đám cưới trong thôn, ông mới bắt đầu tập hát Sình ca để đối đáp lại đoàn nhà gái.
Càng tập nhiều và tìm hiểu về điệu hát Sình ca của dân tộc mình, ông càng khám phá được nhiều nét độc đáo. Những lời hát đối đáp giữa người con trai và con gái thể hiện sự thông minh, ứng khẩu nhanh và đòi hỏi người hát phải có sự hiểu biết phong phú, biết cách ví von hóm hỉnh… Chính vì thế, thế hệ trước có thể hát 3 đêm, mỗi đêm là những chủ đề khác nhau mà lời hát không bị lặp lại. Mỗi chủ đề đều gắn với đời sống hàng ngày, gần gũi, dễ hiểu, mà vẫn sâu sắc. Tuy nhiên, do cuộc sống, công việc, nên ông chưa có nhiều thời gian dành cho việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc.
Đến năm 2013, khi là Chi hội trưởng Người cao tuổi của thôn, lo lắng văn hóa dân tộc ngày càng bị mai một, ông đã phối hợp với các đoàn thể trong thôn đề xuất với chi bộ xin ý kiến UBND xã thành lập CLB hát Sình ca Cao Lan của thôn. Khi ấy, CLB đã thu hút hơn 30 thành viên tham gia, trong đó Chi hội Người cao tuổi là nòng cốt, do ông làm chủ nhiệm.
Ông Như đã tìm xuống tận xã Đồng Quý, Văn Phú (Sơn Dương) gặp những người am hiểu văn hóa dân tộc cao Lan để sưu tầm tài liệu về hát Sình ca rồi tự học thêm. Ông cũng sang xã Yên Bình (Yên Bái) tìm đến Nghệ nhân Sình ca Lạc Tiên Sinh để học hỏi. Sau đó, ông hướng dẫn lại cho các thành viên trong CLB, đặc biệt là những thành viên trẻ để các con, các cháu biết yêu và giữ gìn nét đẹp của văn hóa dân tộc.
Cùng với hát Sình ca, những điệu múa truyền thống của dân tộc như: múa chim gâu, cầu mùa, khai đèn… được CLB tập luyện và biểu diễn phục vụ bà con địa phương, đi giao lưu ở các thôn, các xã. Không có trống sành thì ông lấy ống tre để làm nhạc cụ gõ tắc sình, tắc sình… phục vụ các tiết mục múa. Nhờ đó, phong trào văn hóa văn nghệ trong thôn, trong xã ngày càng phát triển.
Chị Bùi Thị Hồng, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Giếng Đõ, Chủ nhiệm CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan xã Mỹ Bằng chia sẻ, CLB do Hội Phụ nữ xã thành lập với hội viên ở 4 chi hội nơi có đông đồng bào Cao Lan tham gia. Để duy trì hoạt động, CLB đã nhận được sự giúp đỡ, truyền dạy rất tận tình của “nghệ nhân” Âu Ngọc Như. Ông đã hướng dẫn các thành viên trong CLB cách hát, múa, đồng thời chia sẻ để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống hằng ngày như tiếng nói, trang phục…
Tháng 8 năm 2024, ông Như được đoàn Yên Bái mời là thành viên tham gia Tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại”, được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức. Ông Như bày tỏ, tại tọa đàm, rất nhiều nghệ nhân, những người tâm huyết đã đưa ra những giải pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ông cũng chỉ mong góp một phần công sức nhỏ bé để thế hệ trẻ trong thôn, xã hiểu và yêu hơn điệu hát Sình ca và những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.