Về chiến khu xưa
Về lại xã anh hùng Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm), tôi hết sức ngỡ ngàng trước một không gian bạt ngàn cây trái; nhà cửa Nhân dân, các công trình công cộng được xây dựng khang trang, hiện đại; giao thông giữa các thôn,buôn được nhựa hóa, thoáng rộng. Cuộc sống trù phú đang về với Khu căn cứ kháng chiến ác liệt năm xưa…
• “CĂN CỨ BẮC” ANH HÙNG
Ai đã từng sống, chiến đấu trên vùng đất Tây Nguyên, Đông Nam Bộ qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, các căn cứ, mật khu: Đèo B40, K1, hành lang Bắc - Nam, phong trào Mọ Kọ, Đội Nữ pháo binh 8/3… mãi mãi in dấu về một địa danh anh hùng - căn cứ Lộc Bắc!
Xã Lộc Bắc tiếp giáp tỉnh Đắk Nông (phía Bắc), huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên (phía Tây), điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn. Bởi có địa hình hiểm trở, núi cao, rừng sâu, nhiều sông, suối; đồng thời, tiếp giáp với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ và Chiến khu D nên trong những năm kháng chiến, Lộc Bắc trở thành địa bàn trọng yếu của cách mạng.
Trước năm 1960, Lộc Bắc thuộc quận B’Lao, rồi quận Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Năm 1961, vùng Lộc Bắc được xây dựng thành “Căn cứ Bắc” gồm 4 xã (xã 1, 2, 3 và 7). Đến tháng 11/1976, 4 xã này hợp thành xã Lộc Bắc. Ngày 11/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/NĐ-CP tách huyện Bảo Lộc, thành lập thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (Lộc Bắc thuộc huyện Bảo Lâm); xã Lộc Bắc cũng được chia thành 2 xã: Lộc Bắc và Lộc Bảo.
Khi Trung ương và Tỉnh ủy Lâm Đồng xây dựng khu “Căn cứ Bắc” - điểm đón tiếp cán bộ từ miền Bắc tăng cường lực lượng cho chiến trường miền Nam trong những năm chống Mỹ, người dân Lộc Bắc đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Nhất là thời gian xây dựng đường hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây nối Lâm Đồng với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Chiến khu D, Nhân dân Lộc Bắc đã hy sinh biết bao xương máu trong các cuộc càn quét, khủng bố, truy lùng của giặc để bảo vệ hậu cứ, bảo vệ cán bộ của Đảng, bảo vệ cách mạng...
Trong cuốn“Truyền thống đấu tranh cách mạng xã Lộc Bắc anh hùng”, do Huyện ủy Bảo Lâm chỉ đạo biên soạn, mỗi trang, mỗi dòng còn in đậm những chiến công hiển hách của quân, dân Lộc Bắc. Bia Di tích nối Hành lang chiến lược Bắc - Nam tại Thôn 3, xã Lộc Bảo, Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Lộc Bắc, hay những trận đánh của quân dân Lộc Bắc bảo vệ hành lang chiến lược, không để kẻ thù phá hoại con đường huyết mạch của cách mạng… Đặc biệt, phong trào chống trả các cuộc không kích bằng máy bay của địch lưu danh chiến công vang dội của quân dân Lộc Bắc. Từ cụ già 70 tuổi như ông Ma Bu, đến anh thương binh cụt một tay K’Léo, hay em K’Châu (14 tuổi) đã bắn rơi trực thăng giặc bằng súng trường. Đỉnh cao là ông K’Wet đã bắn rơi chiếc trực thăng HU1A, giết tên Trung tướng Ki-Si và 6 sĩ quan Mỹ… mãi mãi là niềm tự hào của người dân Lộc Bắc!
Hiện nay, Lộc Bắc có 60 liệt sĩ, 200 thương, bệnh binh; 474 người được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến (hạng Nhất, Nhì, Ba); hơn 300 người được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen có thành tích tham gia kháng chiến. Đặc biệt, ngày 20/12/1994, xã Lộc Bắc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân…
• LỘC BẮC HÔM NAY
“Căn cứ Bắc” (K1) năm xưa đói cơm, lạt muối, bị bom đạn cày xới và sự giết chóc của bọn Fulro đã lùi vào quá khứ! Sau 30 năm từ khi chia tách, thành lập, Đảng bộ, chính quyền đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để hôm nay trên vùng đất anh hùng này tràn trề sức sống mới!
Giai đoạn 1961 -1975, dân số Lộc Bắc chỉ có 1.705 người, 100% là người dân tộc Mạ. Người dân quen sống du canh du cư, sản xuất lạc hậu nên đời sống đói nghèo. Đến năm 1983, chính quyền địa phương đầu tư các chính sách phát triển vùng DTTS, thực hiện định canh, định cư; hướng dẫn Nhân dân sản xuất; xóa mù chữ, chăm sóc y tế… Song, những năm 1986 -1990, do khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, người dân Lộc Bắc tiếp tục phát rừng làm rẫy, đời sống hết sức khó khăn (hơn 66% dân số thiếu đói; 30% trẻ em thất học; 60% trẻ suy dinh dưỡng; 40% dân số bị bệnh tật…). Đây là giai đoạn đầy cam go, thử thách đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Sau đó, nhiều nghị quyết, chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và huyện Bảo Lâm đầu tư “Phát triển kinh tế - xã hội miền núi”, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi lối sống cũ, xây dựng cuộc sống mới. Nhân dân Lộc Bắc đã tích cực ủng hộ chủ trương của Đảng và chính quyền, từng bước xóa nghèo, xây dựng căn cứ năm xưa thành một vùng quê phát triển.
Đến nay, giao thông giữa các xã, các thôn; những tuyến đường nối Lộc Bắc với các huyện lân cận trong tỉnh và tỉnh Đắk Nông được khai thác, phá vỡ thế cô lập; các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và được xây dựng khang trang; 100% học sinh trong độ tuổi đều ra lớp; chất lượng giáo dục liên tục nâng cao...
Báo cáo giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã Lộc Bắc khóa XI (2020-2025) đã nêu những thành tựu vượt bậc. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng… xã Lộc Bắc đều đạt và vượt khá cao. Cụ thể: Thu ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước; thu nhập bình quân đầu người 43 triệu đồng/năm (tăng 7 lần so với năm 2015); Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,09% (giảm 4% so với năm 2015); tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế toàn dân đạt 100%; 4/4 thôn đạt văn hóa và xã Lộc Bắc đạt chuẩn văn hóa; đạt chuẩn quốc gia về y tế; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Đặc biệt, 100% chức danh cán bộ chuyên trách và công chức xã đạt chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ và 100% được đào tạo từ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 99%...
Rời Lộc Bắc, xe ô tô bon bon trên con đường nhựa mới. Hai bên đường, những vườn cà phê, cao su, cây trái cứ lùi dần. Đèo B-40 uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh mênh mông, tít tắp. Tôi thầm mừng: “Căn cứ Bắc” năm xưa chiến tranh, đói nghèo, tăm tối... bừng lên sức sống mới tràn dâng.
Sau ba mươi năm, xã anh hùng Lộc Bắc đã “lột xác” trở thành vùng đất trù phú giữa đất trời Nam Tây Nguyên đại ngàn…