Thái Lan phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng tại một thành phố cổ nổi tiếng
Thành phố Sukhothai mang đậm tính lịch sử và văn hóa của Thái Lan. Những dấu ấn còn lại của thành phố từ thời kỳ Vương quốc Sukhothai phát triển rực rỡ trong thế kỷ 13 và 14 đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thực sực đặc biệt.
Được xem là lễ hội hoa đăng, Loy Krathong là một lễ hội truyền thống, có từ rất lâu đời ở Thái Lan. Tại lễ hội, mọi người thường thả những chiếc đèn hoa đăng xuống nước, ví như lễ vật dâng lên nữ thần nước - một hành động mà nhiều người tin rằng sẽ mang lại may mắn.
Lễ hội Loy Krathong năm nay diễn ra vào ngày 15/11, kết hợp cùng với nhiều hoạt động khác sẽ được tổ chức trên khắp cả nước. Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra tại thành phố Sukhothai - Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận.
Với các cuộc diễu hành truyền thống, chương trình trình diễn ánh sáng và âm thanh cùng pháo hoa, lễ hội hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách cơ hội hiếm có để chiêm ngưỡng những di tích cổ của thành phố được thắp sáng rực rỡ nhằm tôn vinh di sản ấn tượng của công viên lịch sử.
Nơi khai sinh của Xiêm
Sukhothai là kinh đô vương quốc đầu tiên của Xiêm trong thế kỷ 13 và 14. Đây là một trong những nơi tiêu biểu cho nền nghệ thuật Xiêm trong giai đoạn đầu tiên và tiêu biểu cho sự sáng tạo của đất nước Thái Lan đầu tiên. Ngày nay, Sukhothai chỉ là thủ phủ của tỉnh Sukhothai với diện tích 6.596km2, cách thủ đô Bangkok khoảng 427km về phía bắc. Cố đô Sukhothai được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1991.
Hiện tại, một số tu viện Phật giáo ấn tượng khác về kiến trúc Thái Lan cổ xưa có thể được khám phá tại Công viên Lịch sử Sukhothai.
UNESCO ghi nhận Sukhothai đã mang đến bản sắc văn hóa độc đáo của Thái Lan, bao gồm ngôn ngữ, tôn giáo và kiến trúc.
Nền văn minh vĩ đại phát triển ở Sukhothai đã có ảnh hưởng sâu sắc và mang đậm truyền thống địa phương cổ xưa.
Sirawee Lamsudjai - người làm việc tại Bảo tàng Quốc gia Ramkhamhaeng của thành phố - cho biết điều khiến nhiều du khách đến đây ngạc nhiên không chỉ là kiến trúc đẹp và các tượng đài Phật giáo, mà còn là lối sống chậm rãi của người địa phương.
"Ấn tượng đầu tiên của nhiều du khách khi đến thăm Sukhothai là sự yên bình, lối sống của người dân địa phương hòa hợp với các di tích lịch sử", bà Sirawee Lamsudjai nói.
Bà Sirawee cho biết khách du lịch đến đây rất ấn tượng với bức tượng Phật ngồi khổng lồ, được đặt trong một tòa nhà không có mái. Bức tượng trông rất đẹp, đặc biệt là khi ánh sáng mặt trời chiếu vào, mang lại cảm giác thanh bình và tĩnh lặng.
Thành phố mang đến sự đổi mới
Sukhothai được biết đến là không gian nghệ thuật, ngôn ngữ và tôn giáo phát triển rực rỡ. Nhiều học giả đã gọi nơi đây là cái nôi của nền văn hóa Thái Lan. Ngày nay, Sukhothai còn là điểm đến của tư duy đổi mới và sáng tạo.
"Khi mọi người đi bộ quanh các di tích lịch sử Sukhothai, họ sẽ tìm thấy những hồ nước nhân tạo kết nối với nhau theo một hệ thống nhất định. Thành phố nổi tiếng là nơi có hệ thống nước hiệu quả nhất trong lịch sử Xiêm", Sirawee nói.
UNESCO cũng nêu bật những bước tiến của thành phố Sukhothai về việc phát triển kỹ thuật thủy lực, chỉ ra rằng vương quốc này đã cải tạo thành công cảnh quan địa phương bằng cách xây dựng hiệu quả các hồ chứa, ao và kênh đào trong quá trình kiểm soát lũ lụt và đưa nước vào "để phục vụ ngành nông nghiệp, kinh tế và lễ hội".
Bà Sirawee cho biết không rõ lễ hội Loy Krathong lần đầu tiên tổ chức vào thời gian nào nhưng các ghi chép đều có đề cập đến lễ hội nến và pháo hoa.
Tongthong Chandransu, một nhà sử học và học giả nổi tiếng đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về lịch sử pháp lý, chính trị và văn hóa của Thái Lan cũng có quan điểm tương tự.
"Nguồn gốc của văn hóa lễ hội Loy Krathong vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong giới học thuật. Tuy nhiên, hoạt động này đã được người Thái duy trì trong hơn 200 năm kể từ thời Rattanakosin (1782–1932)", ông Chandransu cho biết.
Lễ hội Loy Krathong là thời điểm người Thái bày tỏ sự tôn kính, biết ơn thần nước Phra Mae Khongkha vì đã cung cấp nguồn nước dồi dào, che chở và ban phước lành cho cuộc sống. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp cầu chúc, ước nguyện có bình an, hạnh phúc lâu bền trong tình cảm lứa đôi.
"Lối sống của người dân Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào nước, từ sinh hoạt đến canh tác. Trước đây, sông là tuyến đường vận chuyển chính – mọi thứ đều diễn ra xung quanh nước", ông Tongthong nói thêm.
Ngày nay, nhiều ý kiến cho rằng việc thả hoa đăng trong lễ hội Loy Krathong đang gây ô nhiễm nguồn nước. Trước tình trạng này, nhiều người hiện đang chọn cách bền vững hơn để tôn vinh truyền thống, chẳng hạn như làm đế krathong bằng bánh mì hoặc các vật liệu phân hủy sinh học khác.
"Đây là một lễ hội rất hấp dẫn và diễn ra vào thời điểm hoàn hảo - khi mực nước đạt đỉnh trên các con sông và vào thời kỳ chuyển tiếp từ mùa mưa sang mùa đông", ông Tongthong nói thêm./.