Sở Chí Thiện - Cơ sở cách mạng qua 2 thời kỳ kháng chiến
Trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có 7 di tích lịch sử, trong đó có 2 di tích thuộc tôn giáo, tín ngưỡng là Cổ Miếu Tân Hòa và Sở Chí Thiện. Đó đều là những di tích lịch sử ghi dấu các địa điểm có vai trò quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, cũng là lời khẳng định về sự đồng lòng của nhân dân ta trong những ngày vệ quốc.
Sở Chí Thiện thuộc ấp Trại Lòn, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, ở khu vực cây cối um tùm, xung quanh có kênh đào sâu như một chiến hào vững chắc để chống xe tăng và bộ binh của địch. Đây cũng là cơ sở thờ tự nên người dân trong vùng thường xuyên lui tới, việc giao nhận thông tin liên lạc với cách mạng diễn ra thuận lợi. Đặc biệt, đại đa số người dân trong vùng đều yêu nước, luôn bảo vệ và che chở cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến.
Sở Chí Thiện được xây dựng khoảng năm 1926, do ông Trần Văn Hóa và vợ là bà Ngô Thị Nhâm hiến đất cùng một số người dân ngộ đạo kết hợp nhau xây dựng để có cơ sở tín ngưỡng, hành đạo với tên gọi ban đầu là Thánh tịnh Long Am Cung.
Sở Chí Thiện là đơn vị của Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, vốn là nơi tín ngưỡng của tín đồ và người dân địa phương. Đây cũng là nơi được chọn đặt kho lương thực của Quân khu 8, Trạm Quân y tỉnh Kiến Tường và nơi họp, đóng quân của nhiều cơ quan khác của cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, toàn thể chức sắc, chức việc tại Sở Chí Thiện đều hăng hái tham gia các đoàn thể, tổ chức lực lượng chống Pháp, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cách mạng.
Khoảng tháng 11/1945 đến 9/1947, Sở Chí Thiện là kho lương thực của Quân khu 8 với sức chứa hàng trăm bao gạo, đường, muối, đậu xanh cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ. Người chịu trách nhiệm bảo vệ kho lương thực thuộc bổn đạo đang tu học tại Sở Chí Thiện. Bổn đạo còn tổ chức trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải cung cấp cho Khu 8 cũng như hiến 154kg kim loại và 1 đại hồng chung nặng 120kg để nhà nước chế tạo súng, đạn chống giặc.
Khoảng tháng 2-1946, tại Sở Chí Thiện còn tổ chức 1 buổi tiễn quân, đưa 16 thanh niên lên đường nhập ngũ, có sự tham gia của cán bộ xã và đoàn văn công phục vụ văn nghệ. Đây cũng là thời điểm Sở Chí Thiện được chọn mở các lớp bình dân học vụ, dạy chữ cho nhân dân trong vùng.
Từ năm 1960-1965, Sở Chí Thiện là nơi đùm bọc, che chở nhiều người vừa tu học, vừa hoạt động cách mạng. Tháng 02/1966 đến 11/1968, Sở Chí Thiện là Trạm Quân y của tỉnh Kiến Tường, được bố trí 50 giường bệnh dành điều trị thương binh và cán bộ sau phẫu thuật. Suốt thời gian này, địch nhiều lần cho máy bay quần đảo, ném bom, bắn phá ác liệt nhưng Trạm Quân y tồn tại nhờ sự che chở của người dân trong vùng.
Ông Trần Hoàng Khải - cháu nội ông Trần Văn Hóa, đang là thủ tự tại Sở Chí Thiện, cho biết: “Người trong họ đạo chúng tôi đều hết lòng phục vụ cách mạng. Theo thống kê sơ bộ, bổn đạo có khoảng 40 thương binh, liệt sĩ, 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong dòng họ của chúng tôi cũng có người là thương binh. Sự anh dũng, một lòng theo cách mạng của lớp người đi trước là niềm tự hào của chúng tôi hôm nay”.
Ngày nay, Sở Chí Thiện vẫn là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ và người dân trong vùng, đồng thời cũng là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống tại địa phương. Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh - Huỳnh Văn Hồng Phim cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 2 di tích lịch sử là Sở Chí Thiện và Địa điểm thành lập Cơ quan Chính trị Quân khu 8.
Cả 2 di tích đều được quan tâm chăm sóc thường xuyên và được hỗ trợ kinh phí quét dọn mỗi tháng nhằm bảo đảm mỹ quan khu di tích. Địa phương cũng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các trường học phối hợp Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại các khu di tích nhằm giúp học sinh, đoàn viên hiểu rõ về lịch sử của quê hương nói riêng và cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nói chung”.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những công lao và sự hy sinh to lớn của thế hệ người đi trước luôn được khắc ghi cho đến hôm nay. Các di tích lịch sử, những chiến công vang dội được giữ gìn, nhắc nhở như dấu gạch nối giữa hiện tại và quá khứ, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ, tự hào và có thêm động lực phấn đấu xây dựng quê hương./.
*Thông tin trong bài viết được lược ghi từ Hồ sơ di tích Sở Chí Thiện (Thánh tịnh Long Am Cung)