Vay nhỏ lẻ qua fintech gia tăng
Những cái bắt tay hợp tác giữa ngân hàng và fintech nhằm mở rộng cho vay tiêu dùng, gửi tiết kiệm trực tuyến và mua trước trả sau ngày càng phổ biến. Hoạt động hợp tác này được giới phân tích dự báo sẽ tiếp tục lan rộng, giúp nhóm khách hàng dưới chuẩn cho vay của ngân hàng có nhiều cơ hội vay vốn hơn.
Cuối tháng 12/2024 vừa qua, Ngân hàng số Cake của VPBank (Cake by VPBank) và ví điện tử VNPAY đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện. Theo đó, các dịch vụ tài chính số đang là mũi nhọn của Cake như dịch vụ trả sau và vay nhanh sẽ được tích hợp trên ví VNPAY.
Việc tích hợp này giúp VNPAY có đủ pháp lý để triển khai các khoản cho vay nhanh và vay trả sau nhỏ lẻ đối với khách hàng. Cụ thể, khách hàng có thể sử dụng app VNPAY để mua hàng hóa, dịch vụ trả sau với thời gian miễn lãi 45 ngày, hoặc vay các khoản vay nhỏ với hạn mức dưới 50 triệu đồng.
Hợp tác giữa Cake và VNPAY như kể trên chỉ là một trong những ví dụ cho thấy ngoài mảng trung gian thanh toán, vốn là thế mạnh của các fintech tại Việt Nam, thì hiện nay nhiều đơn vị đã đầu tư công nghệ, hợp tác với các NHTM để phát triển mạnh các dịch vụ tài chính - ngân hàng, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn vay tới các nhóm yếu thế, cũng như hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Khảo sát của Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel cho thấy, đến những tháng cuối của năm 2024, trên hầu hết các diễn đàn ngành fintech, chủ đề được người tiêu dùng thảo luận nhiều nhất là các vấn đề liên quan đến kết nối ngân hàng với ví điện tử trong việc chuyển tiền, thanh toán, cho vay và gửi tiết kiệm.
Các từ khóa thảo luận, như: “trợ thủ tài chính AI”, “ví trả sau” trên trang của Momo và TPBank; “gửi tiết kiện lãi suất vượt trội” trên trang của VTCPay và PVcomBank; hoặc “gói vay hỗ trợ người thu nhập thấp” của Viettel Money... là những vấn đề được hàng triệu người tiêu dùng trao đổi, hướng dẫn thực hiện.
Ở góc độ nghiên cứu và dự báo, CTCP Tư vấn EY Việt Nam nhận định rằng, việc mở rộng các dịch vụ tài chính bằng cách cung cấp các giải pháp thay thế thuận tiện và hiệu quả, thay cho ngân hàng truyền thống, đang là hướng đi được nhiều fintech lựa chọn.
Trên cơ sở khảo sát hàng triệu khách hàng là cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, EY cho biết, 50% số người được hỏi có thu nhập gia đình dưới 5 triệu đồng hàng tháng ưu tiên vay vốn thông qua fintech. Phần lớn trong số này đều cho rằng, fintech đã giúp họ tiếp cận nhiều dịch vụ tài chính hơn trước, bao gồm cả các khoản vay nhỏ lẻ và các dịch vụ khác như bảo hiểm, quản lý dòng tiền, quản lý cửa hàng, mua trước trả sau...
Từ khía cạnh phát triển các khoản vay tín dụng tiêu dùng quy mô nhỏ, theo đánh giá của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), nhiều khả năng trong năm 2025 và các năm tới, nhu cầu vay vốn thông qua fintech sẽ chiếm tỷ trọng lớn. Bởi cho đến hiện tại, tỷ lệ yêu cầu tài sản bảo đảm khi đi vay đối với cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các NHTM vẫn ở mức cao. Trong khi đó, sau thời gian phát triển mạnh ở lĩnh vực trung gian thanh toán, hiện nay các fintech có thị phần lớn trên thị trường đã chiếm được lợi thế về dữ liệu khách hàng.
“Việc khai thác các nguồn dữ liệu như: lịch sử nạp tiền điện thoại di động, lịch sử thanh toán hóa đơn, sổ sách kế toán... đã giúp các fintech phát triển mảng đánh giá xếp hạng tín dụng và hợp tác với các TCTD mở ra các sản phẩm tài chính vi mô đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng”, các chuyên gia tại IDS nhận định.
Về phía NHTM, theo ông Đinh Văn Chiến, Phó tổng giám đốc TPBank, việc hợp tác với các fintech cũng sẽ là lựa chọn của nhiều ngân hàng để cạnh tranh mở mới các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Đối với TPBank, hiện nay ngân hàng này đang hợp tác với Momo để mở rộng các dịch vụ như ứng trước tiền hàng, chấm điểm tín dụng, mua trước trả sau, hỗ trợ xác thực định danh... Thông qua hợp tác, hàng triệu khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng đã tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ.
Về dự báo chiến lược lâu dài, theo nhận định của nền tảng dữ liệu thị trường Tracxn, trong khoảng 5 năm tới, làn sóng fintech tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh, nhất là sau khi các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế được xây dựng tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng theo mô hình Fintech Hub.
Các pháp lý nếu được ban hành sớm cũng sẽ khiến các fintech mở rộng nhiều hơn sang các lĩnh vực như quản lý tài sản (wealthtech), công nghệ bảo hiểm (insurtech), cho vay ngang hàng (P2P lending)... Trong đó, riêng các fintech mảng cho vay ngang hàng và các nền tảng kết nối giữa TCTD với khách hàng cũng sẽ nhận được sự quan tân của các quỹ quốc tế và các tập đoàn công nghệ lớn, bên cạnh lĩnh vực trung gian thanh toán.