Phát triển quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ cao: Tạo lực đẩy từ chính sách cho công nghiệp hỗ trợ
LTS: Ngày 15-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI. Trong đó, bên cạnh ghi nhận những thành tựu mà lĩnh vực công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt được, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà ngành công nghệ số Việt Nam cần phải khắc phục. Báo Quân đội nhân dân đã nhận được các ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia về những vấn đề mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu trong bài phát biểu, từ đó đề xuất xây dựng các chính sách, chung tay thực hiện hiệu quả để đất nước tăng tốc phát triển dựa trên nền tảng công nghệ cao.
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn kém khiến rất khó chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Do đó, cần có những chính sách đột phá để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn thuộc phân khúc giá trị gia tăng rất thấp
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được coi là xương sống của nền công nghiệp quốc gia thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành CNHT phát triển, bởi CNHT quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Đặc biệt, nếu CNHT không phát triển, đồng nghĩa với việc quốc gia đó phụ thuộc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, làm tăng tính rủi ro cho nền kinh tế khi có những biến động. Nói như vậy để thấy, phát triển CNHT lớn mạnh là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Tại Việt Nam, ngành CNHT những năm gần đây có bước chuyển mình tích cực, ngày càng gia tăng số doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cách đây hơn 30 năm, khi các doanh nghiệp FDI mới vào Việt Nam, họ chật vật với việc tìm kiếm các nhà sản xuất linh kiện, dù chỉ đơn giản như con ốc vít song cũng rất khó khăn.
Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển và nhờ sự tham gia của các chương trình cải tiến năng lực sản xuất thì nay đã có sự thay đổi rõ rệt. Cho đến nay, Việt Nam đã có hơn 5.000 doanh nghiệp CNHT. Các doanh nghiệp đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo. Các sản phẩm CNHT hiện nay cũng đã xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, tiêu biểu như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, số lượng doanh nghiệp CNHT chưa nhiều. Ngành CNHT Việt Nam vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Hiện nay, các sản phẩm CNHT Việt Nam tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí, còn những sản phẩm CNHT mang hàm lượng công nghệ cao, tinh vi, phức tạp vẫn do các doanh nghiệp FDI nắm giữ.
Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Cùng với đó, phần nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp CNHT đã được quan tâm nhưng chưa đúng mức; nguồn nhân lực cho CNHT còn thiếu...
Sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ
Ngành công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng trong nhiều năm qua đã nhận được sự quan tâm lớn từ Đảng và Nhà nước bởi vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách vẫn chưa gặp được doanh nghiệp do một số khó khăn về thủ tục, nhất là các ưu đãi liên quan đến lãi suất, tín dụng.
Nguyên nhân là bởi, để vay được vốn, doanh nghiệp cần có rất nhiều điều kiện. Trong khi đó, doanh nghiệp CNHT đa số có quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, không có hoặc có rất ít tài sản bảo đảm, trong khi nhu cầu vay vốn lại lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp.
Để phát triển CNHT thời gian tới, vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng đó là kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội ban hành. Đây sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công hơn. Các doanh nghiệp CNHT cũng kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia liên ngành về phát triển công nghiệp, trong đó có một Phó thủ tướng chuyên trách, để khi doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị sẽ được giải quyết kịp thời.
Điển hình như Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT TP Hà Nội (HANSIBA) và cộng đồng doanh nghiệp nói chung đang đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương có những chương trình làm việc trực tiếp với các tổ chức hội, hiệp hội. Cuộc làm việc này nhằm nắm bắt về năng lực sản xuất, cung ứng thiết bị, sản phẩm có thể đáp ứng, hợp tác với các đơn vị tổng thầu dự án trong nước và quốc tế được tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trước thời điểm khởi công (vào năm 2027).
Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đạt tỷ trọng 5-10% trên tổng số DN Việt Nam. Theo đó, cần có giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...); quy hoạch, phát triển các khu CNHT gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chi phí, chính sách hợp lý.
Với cộng đồng doanh nghiệp, nguồn vốn, dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như máu chảy trong cơ thể con người. Máu lưu thông tốt thì cơ thể mới thực sự khỏe mạnh và phát triển. Do vậy, HANSIBA kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm để các DN ngành CNHT được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều DN CNHT phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi.
Trong thời gian tới, HANSIBA sẽ tăng cường các hoạt động nội khối ngành CNHT để cùng nhau sản xuất-cùng nhau cung ứng; đồng thời, tập trung nâng cao hoạt động kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, nhằm thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa ngành CNHT tại Việt Nam.