Vatican công bố kết quả vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu tân Giáo hoàng
Làn khói đen bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine lúc 21h (theo giờ Roma) chính thức xác nhận vòng bỏ phiếu đầu tiên của mật nghị Hồng y nhằm bầu vị Giáo hoàng thứ 267 kết thúc.
Theo Vatican News, khoảng 45.000 người đã tụ họp tại Quảng trường Thánh Peter từ lúc 19h (giờ địa phương) để dõi theo thời khắc trọng đại. Tuy nhiên, phải đến 21h, làn khói đen mới xuất hiện, báo hiệu vòng bỏ phiếu đầu tiên của mật nghị khép lại mà chưa bầu được tân Giáo hoàng.
Trên thực tế, đây không phải kết quả bất ngờ. Theo thống kê của Reuters, chưa có Giáo hoàng nào được bầu ngay trong ngày đầu tiên của mật nghị trong suốt nhiều thế kỷ qua. Quá trình bầu chọn tân Giáo hoàng có thể kéo dài vài ngày.

Khói đen bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine. Ảnh: Vatican News
Ngày 7/5 chỉ diễn ra một vòng bỏ phiếu. Từ hôm nay (8/5), mỗi ngày sẽ có tối đa bốn vòng bỏ phiếu – hai vào buổi sáng và hai vào buổi chiều. Sau mỗi vòng, phiếu bầu sẽ được đốt. Nếu chưa có kết quả, khói đen sẽ bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine. Nếu mật nghị đã bầu được tân Giáo hoàng, khói trắng sẽ xuất hiện.
Giám đốc Phòng Báo chí Tòa thánh Vatican Matteo Bruni chia sẻ trên Vatican News ngày 6/5 rằng khói sẽ bay lên vào khoảng 10h30 đến 12h với vòng bỏ phiếu buổi sáng; từ 17h30 đến 19h với vòng bỏ phiếu buổi chiều (theo giờ địa phương).
Nếu sau 3 ngày bỏ phiếu liên tiếp vẫn chưa đạt kết quả, mật nghị sẽ tạm nghỉ một ngày để các Hồng y cầu nguyện và trao đổi tự do. Sau 33 vòng, nếu không ai hội đủ số phiếu, Hồng y đoàn sẽ tổ chức bỏ phiếu với hai ứng viên nhận được nhiều sự ủng hộ nhất.

Nhà nguyện Sistine – nơi diễn ra Mật nghị Hồng y. Ảnh: Vatican News
Tất cả các Hồng y dưới 80 tuổi mới được phép tham gia bỏ phiếu kín để bầu Giáo hoàng. Theo quy định, cần tối thiểu 2/3 số phiếu bầu để một Hồng y trở thành người đứng đầu mới của Tòa thánh Vatican. Mật nghị năm nay có sự tham gia của tổng cộng 133 Hồng y đến từ 70 quốc gia.
Trong suốt thời gian diễn ra mật nghị, các Hồng y bị cấm hoàn toàn việc liên lạc với thế giới bên ngoài: không thư tín, không điện thoại, không truyền hình, không báo chí, chỉ trừ các trường hợp đặc biệt khẩn cấp.