Vật liệu thải xây dựng 'xâm lấn' rừng phòng hộ
HNN - Với sự đồng ý của chính quyền địa phương, đơn thị thi công Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu vượt cửa biển Thuận An (phường Thuận An, quận Thuận Hóa) đã đổ hàng nghìn m3 vật liệu thải xây dựng vào khu vực ven biển. Tuy nhiên, việc đó tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng rừng dương phòng hộ.

Vật liệu thải từ GPMB của dự án cầu vượt cửa biển Thuận An
Nguy cơ gây chết rừng phòng hộ
Dự án tuyến đường ven biển và cầu vượt cửa biển Thuận An (DA cầu vượt cửa biển) giai đoạn 1, do Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng Công trình giao thông TP. Huế làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công đầu tuyến DA cầu vượt biển thuộc phường Thuận An, quận Thuận Hóa, đơn vị thi công là liên danh Công ty Tân Nam - Công ty Đạt Phương - Công ty 479 Hòa Bình (trong đó Công ty Đạt Phương làm nhà thầu chính) đã đổ hàng nghìn m3 rác thải xây dựng, cát biển đào đắp từ đường dẫn, đổ vào khu vực rừng dương phòng hộ ven biển, gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực cho vùng đất này.
Đã có hàng trăm lượt phương tiện vận tải, xe múc vận chuyển rác thải xây dựng nhà cửa từ GPMB, cát đá đổ, san gạt vào khu vực rừng dương. Khối lượng ngày mỗi lớn hơn làm nhiều khu vực ở cửa biển bị san lấp, ô nhiễm. Theo ghi nhận, đây là khu vực rừng dương phòng hộ ven biển nằm cạnh bên cầu vượt cửa biển Thuận An. Khu vực này nhiều đoạn thấp trũng, ao hồ.
Cụ thể, dọc tuyến đường dẫn ra cửa biển Thuận An, đoạn sát chân mố M2 của cầu vượt cửa biển Thuận An thuộc tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An luôn có phương tiện vận chuyển vật liệu thải đến đổ. Tại đây, có khối lượng khá lớn là xà bần, rác thải xây dựng, cát đào đắp được tập kết, kéo dài cả 100m. Có đoạn đơn vị thi công dùng xe ủi vào sâu bên trong rừng dương. Còn lại vẫn chất đống, gây nguy cơ ô nhiễm, cát bay, cát nhảy vào mùa khô.
Ông Đ.V.B, một người dân sống khu vực này cho biết, đơn thi công cầu đã đổ, san gạt cát, xà bần mấy tháng nay nhưng chưa thấy ngưng, khối lượng còn rất lớn. Nếu không có biện pháp khắc phục thì khu vực rừng dương được bảo vệ, trồng nhiều năm sẽ bị chết. Người dân rất ủng hộ xây dựng công trình hạ tầng, nhưng về lâu dài cũng lo lắng cho khu vực rừng phòng hộ ven biển, che chắn gió bão cho khu dân cư.
Hạn chế ảnh hưởng rừng dương
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông TP. Huế, để phục vụ công tác GPMB xây dựng tuyến đầu DA cầu vượt biển, chủ đầu tư đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát và thống nhất các vị trí đổ thải. Theo đó, đối với khu vực đầu tuyến thuộc phường Thuận An, quận Thuận Hóa, đã thống nhất đổ thải tại 4 vị trí. Trong đó, bãi thải số 3 thuộc khu vực hồ nước chân cầu nằm cạnh cầu vượt cửa biển Thuận An thuộc tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An, tính từ mố M2 đến Km34 + 212m tuyến đoạn 1B với trữ lượng 4.000m3; bãi số 4 gồm các vị trí thuộc bãi biển Thuận An với trữ lượng 4.000m3 tính từ điểm tuyến đoạn 1B giao với đường Trường Sa.
Theo biên bản thỏa thuận bãi đổ thải giữa chủ đầu tư và UBND phường Thuận An, căn cứ thực tế hiện trường và tiến độ thi công của DA, cũng như đã thống nhất ở bước lập DA cầu vượt cửa biển, UBND Phường Thuận An đồng ý cho liên danh nhà thầu thi công được phép đổ đất, đá thải vào các vị trí bãi thải tại địa bàn phường theo hồ sơ quy hoạch bãi thải của DA. Trong quá trình đổ thải nhà thầu thi công phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Như vậy, việc đổ thải đã được chính quyền địa phương phường Thuận An thống nhất thông qua và đồng ý. Trong khi đó, theo quy định, cấp phép đổ thải và cấp phép cho bãi thải thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh, huyện.
Ông Trương Đăng Quang Nhật, đại diện tư vấn giám sát Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông TP. Huế cho biết, nhà thầu thi công đã có mặt bằng 600/2.200m chiều dài đầu tuyến để thi công đường dẫn. Để GPMB khu vực này, nhà thầu đã đổ vào bãi thải số 3 khoảng 3.200/4.000m3 trữ lượng. Dự kiến khi chủ đầu tư giao thêm 500m đầu tuyến, bãi thải này đầy thì sẽ đổ vào bãi số 4. Do vậy, khối lượng vật liệu đổ thải còn rất lớn.
Trong quá trình xin phép đổ thải, chủ đầu tư đã khảo sát, làm việc và đã được sự thống nhất của chính quyền địa phương phường Thuận An. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến rừng dương phòng hộ ven biển, chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công tiến hành san gạt dần, đưa vật liệu thải vào san lấp các hồ nước, vùng đất trũng. Đồng thời, đổ đất đá tạo các tuyến đường tạm để vận chuyển dần vật liệu thải đến nơi cho phép, san gạt vật liệu rơi vãi, trả lại mặt bằng cho rừng dương. Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển, yêu cầu đơn vị thi công thường xuyên tưới nước để giảm bụi.