Cần làm rõ đối tượng hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật

Chiều 15/5, tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cơ chế, chính sách đặc biệt trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng nhiều nội dung dự thảo đã có tính đột phá; tuy nhiên vẫn cần bổ sung, chỉnh sửa một số quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ để tránh bất cập trong triển khai.

Tham gia ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng dự thảo đã thể hiện tinh thần thể chế hóa nghiêm túc các chủ trương của Đảng (nhất là Nghị quyết 66-NQ/TW), giải quyết được “điểm nghẽn” về thể chế trong công tác xây dựng pháp luật. Nội dung cụ thể, phạm vi rõ ràng, cơ chế triển khai chi tiết, có định mức và lộ trình thực hiện, đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết.

Đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chủ trì phiên thảo luận Tổ chiều nay 15/5.

Đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chủ trì phiên thảo luận Tổ chiều nay 15/5.

Góp ý cụ thể về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật (Điều 7), theo đại biểu khoản 1 quy định theo dạng liệt kê đối tượng được hỗ trợ (các điểm a, b, c, d) vẫn chưa đầy đủ và rõ ràng; bên cạnh đó, việc giao cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thêm các đối tượng (điểm c và d) có thể dẫn đến thiếu thống nhất, chồng chéo và khó đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng thực hiện nhiệm vụ tương tự ở các cơ quan khác nhau. Vì dự thảo chưa xác định rõ thế nào là “người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu” do đó, khái niệm này có thể bị hiểu rộng hoặc hẹp tùy cơ quan áp dụng.

Do đó đại biểu kiến nghị sửa đổi bổ sung khoản 1 quy định theo hướng xác định rõ các khái niệm “người trực tiếp, thường xuyên” làm công tác xây dựng pháp luật và quy định rõ tiêu chí xác định nhóm đối tượng được hỗ trợ hàng tháng và khi đối chiếu các tiêu chí với bảng mô tả vị trí việc làm mà cán bộ, công chức đang đảm nhận, nếu bảng mô tả việc làm đó đáp ứng đủ tiêu chí thì sẽ được hỗ trợ hàng tháng, không chỉ giới hạn một số vị trí, cơ quan như dự thảo Nghị quyết quy định.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tham gia ý kiến chiều 15/5.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tham gia ý kiến chiều 15/5.

Đại biểu cho rằng nếu được sửa đổi, biên tập theo hướng trên thì, một mặt vừa mang tính khái quát, vừa không bị bỏ sót đối tượng, vừa không bị mở rộng hoặc thu hẹp đối tượng. Đặc biệt là phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Đối với Phụ lục I kèm theo dự thảo, tại khoản 6 Phục lục I quy định các đối tượng: Ban Pháp chế thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách); Sở Tư pháp (Phòng có chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, 01 Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật).

Qua nghiên cứu, rà soát, đại biểu cho rằng quy định trên chưa thật đầy đủ. Vì thực tế hiện nay, Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách đều thực hiện rà soát, thẩm tra các dự thảo Nghị quyết của HĐND trước khi trình HĐND tại các kỳ họp; giám sát việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương; công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân (HĐND) là những người trực tiếp tham mưu cho Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH, các Ban HĐND cấp tỉnh trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, của HĐND tỉnh, giám sát việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; … hay Ban dân chủ, giám sát và phản biện xã hội thuộc Ủy ban MTTQ Việt nam theo phụ lục thì có nhưng ở các tỉnh, thành lại không thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi. “Tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các đối tượng trên tại khoản 6, Phụ lục I ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết.” - đại biểu đề nghị.

Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật quy định các chính sách nhằm tăng cường hiệu quả xây dựng pháp luật trong bối cảnh mới. Theo đó, Nghị quyết đề ra các cơ chế đặc biệt về tài chính, nhân lực và chuyển đổi số, áp dụng cho các hoạt động nghiên cứu, hoạch định chính sách, soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý vấn đề pháp lý trong hội nhập quốc tế, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngân sách nhà nước đảm bảo chi không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật, với định mức chi vượt trội và khoán theo nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật – là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, trực thuộc Bộ Tư pháp – để tài trợ cho các hoạt động có tính đột phá. Các chính sách ưu đãi về thu nhập, thu hút nhân tài, miễn thuế thu nhập cá nhân cũng được áp dụng cho người làm công tác xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn nhằm đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 và được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự khác biệt với luật hiện hành...

T.HÀ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/can-lam-ro-doi-tuong-ho-tro-cong-tac-xay-dung-phap-luat-130223.html
Zalo