Quốc hội sẽ chất vấn hai bộ trưởng, đã dự kiến 3 nhóm vấn đề để chọn 2
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội các nhóm vấn đề chất vấn thuộc 3 lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tài chính, khoa học và công nghệ.

Theo chương trình kỳ họp, phiên chất vấn được tổ chức trong thời gian 1,5 ngày.
Tối 15/5, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9.
Các vị đại biểu được đề nghị lựa chọn 2 trong số 3 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn.
Thứ nhất là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm: thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học gắn với yêu cầu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Việc thực hiện quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm; Công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề 2 về lĩnh vực tài chính, nội dung dự kiến là giải pháp về công tác tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, làm mới động lực tăng trưởng cũ, xác lập, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới; Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Cơ chế, chính sách thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Thứ ba là nhóm vấn đề 3 thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, gồm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số. Việc hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nâng cao kỹ năng số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; Cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quản lý nhà nước.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Theo chương trình kỳ họp, phiên chất vấn được tổ chức trong thời gian 1,5 ngày (từ chiều ngày 19/6 đến hết ngày 20/6).
Quốc hội sẽ chất vấn các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 2 Bộ trưởng, Trưởng ngành. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó thủ tướng Chính phủ được ủy quyền) sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian chất vấn (thực hiện theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội và thông lệ các kỳ họp): người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút để phát biểu về vấn đề chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn trong thời gian không quá 1 phút. Người trả lời chất vấn trả lời trong thời gian không quá 3 phút đối với mỗi câu hỏi chất vấn. Đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người trả lời chất vấn; thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút.