Vàng son dấu ấn biệt động Sài Gòn - Gia Định
Trong suốt chiều dài lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã đóng vai trò then chốt trong các hoạt động đấu tranh vũ trang nội đô. Họ là những chiến sĩ đặc công dũng cảm, tinh nhuệ, âm thầm, lặng lẽ hoạt động bí mật giữa lòng Sài Gòn hoa lệ, biến nơi đây thành mặt trận sinh tử và làm nên những chiến thắng thần kỳ, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang - Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định giới thiệu về lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Huy Chương
Từ các nhóm tự vệ cảm tử…
Tiền thân của Đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định là các nhóm tự vệ cảm tử trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946. Phải nói rằng, trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều đơn vị vũ trang và bán vũ trang tự phát xuất hiện, mang nhiều tên gọi khác nhau, song hoạt động của họ đều mang đậm phong cách biệt động: bí mật, dũng cảm, bất ngờ, thâm nhập, tấn công hiểm hóc.
Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn trong kháng chiến chống Pháp, dù gặp rất nhiều khó khăn về vật chất, nhưng với ý chí tự cường, cùng lối đánh hiểm, quả cảm. Điển hình là các ban công tác thành và sau này là Tiểu đoàn Quyết tử 950, đã gây ra cho quân đội Pháp cùng bè lũ tay sai những thiệt hại nặng nề về người và của ngay tại Sài Gòn, khiến chúng không khỏi khiếp sợ. Những trận đánh âm vang mãi trong lịch sử phải kể đến: cuộc tấn công Câu lạc bộ, ám sát sĩ quan Pháp; đặc biệt là trận đánh kho bom Phú Thọ Hòa - nơi trữ lượng bom lớn nhất của địch ở miền Nam… Chiến công của các chiến sĩ biệt động đã khắc họa những dấu ấn vàng son vào lịch sử đấu tranh anh dũng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Sau Hiệp định Genève 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc bước vào xây dựng xã hội chủ nghĩa, còn miền Nam rơi vào ách thống trị khắc nghiệt của chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ. Trong bối cảnh đó, để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài nhằm giải phóng miền Nam, yêu cầu đặt ra cho cách mạng là phải có một lực lượng chiến đấu linh hoạt, bí mật, đủ sức phá hoại hậu phương địch ngay trong lòng đô thị lớn nhất miền Nam. Trong bối cảnh đó, lực lượng biệt động được chính thức thành lập vào năm 1965 với tên gọi Đoàn Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (phiên hiệu F100) do ông Nguyễn Đức Hùng (bí danh Ba Tam, Tư Chu) làm Chỉ huy trưởng. Nhiệm vụ chính của F100 là tổ chức các trận đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cũng như chuẩn bị cho các cuộc tập kích chiến lược.
Theo ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang - Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, lực lượng biệt động không chỉ thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, thu thập tình báo mà còn trực tiếp tổ chức tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của đối phương. Đây là bước tiến mới trong nghệ thuật chiến tranh Nhân dân, thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của quân và dân ta khi xâm nhập vào tận sào huyệt của địch.
Biệt động Sài Gòn - Gia Định được tổ chức theo kiểu “vô hình” hết sức linh hoạt để bảo đảm bí mật. Các đơn vị biệt động thường được chia nhỏ thành từng tổ, mỗi tổ gồm khoảng 3 - 5 chiến sĩ, hoạt động độc lập hoặc phối hợp tùy theo nhiệm vụ. Họ sống trà trộn giữa cộng đồng dân cư, sinh hoạt như những người dân lao động hoặc tiểu thương, hoàn toàn che mắt kẻ địch.
Để trở thành một biệt động, các chiến sĩ phải trải qua quá trình tuyển chọn và huấn luyện gắt gao về cả thể lực, kỹ năng chiến đấu lẫn khả năng ngụy trang, hóa trang. Họ được rèn luyện cách chế tạo, sử dụng vũ khí tự tạo, các loại chất nổ, cũng như nghệ thuật tác chiến trong môi trường đô thị với không gian chật hẹp, đông người. Điều đặc biệt là biệt động không chỉ dựa vào sức mạnh vũ khí mà còn phát huy tối đa tính sáng tạo, mưu lược, yếu tố bất ngờ và lòng dũng cảm. Chính những tố chất này giúp họ lập nên nhiều chiến công vang dội, gây chấn động ngay trong lòng Sài Gòn vốn được mệnh danh là “thủ phủ” của chế độ tay sai.
Những chiến công oanh liệt làm rạng danh Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định nổi bật với nhiều chiến công hiển hách, khiến kẻ thù khiếp sợ. Mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh đều thể hiện sự táo bạo, sáng tạo, đầy trí dũng của những người lính đặc biệt này, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung.
Tết Mậu Thân 1968 ghi dấu một cột mốc huy hoàng trong lịch sử chiến tranh Nhân dân Việt Nam hiện đại, cũng là thời khắc tỏa sáng của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Trong chiến dịch này, các chiến sĩ đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu trọng yếu tại thủ phủ của chế độ Sài Gòn, gây nên cú sốc lớn cho cả quân đội Mỹ và chính quyền tay sai.
Các mũi biệt động bất ngờ tấn công Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất… làm đảo lộn toàn bộ hệ thống đầu não địch. Những tiếng nổ, tiếng súng phá tan bầu không khí yên bình giả tạo, chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh nội lực của cách mạng miền Nam.
Không chỉ là chiến thắng quân sự, trận đánh còn mang giá trị biểu tượng sâu sắc. Nó truyền tải thông điệp; không thành trì nào của kẻ thù là an toàn, cách mạng có thể vươn tới mọi nơi. Đó là đòn tâm lý nặng làm lung lay tinh thần địch và cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh khắp miền Nam.
Ngoài Mậu Thân, lực lượng Biệt động còn thực hiện hàng trăm vụ tấn công vào các căn cứ, kho tàng, căn cứ hậu cần của địch. Tiêu biểu có thể kể vụ đánh kho bom Thành Tuy Hạ (1966), làm nổ tung hàng nghìn tấn đạn dược góp phần cắt giảm nguồn cung của quân Mỹ - ngụy. Hay những trận đánh vào Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân, Sân bay Tân Sơn Nhất… gây thiệt hại to lớn, làm tê liệt tạm thời hệ thống kiểm soát của địch. Những trận đánh này còn góp phần phân tán lực lượng quân sự của đối phương, buộc chúng phải co cụm, hạn chế khả năng đàn áp phong trào cách mạng vùng ven.
Mỗi chiến công ấy đều là kết quả của sự mưu trí, gan dạ và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa biệt động và phong trào quần chúng. Đây là minh chứng cho nghệ thuật chiến tranh du kích đô thị độc đáo, biến khả năng nhỏ bé trở thành sức mạnh áp đảo nhờ yếu tố bất ngờ và lòng quả cảm.
Những chứng tích lịch sử anh hùng
Những địa chỉ đỏ của Biệt động Sài Gòn - Gia Định trở thành điểm di tích, nơi lưu giữ ký ức hào hùng của lực lượng biệt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây không chỉ là chứng tích của một thời kỳ gian khổ, hy sinh mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ trẻ hôm nay trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
Đó là căn nhà bí mật, kho vũ khí, quán café ngụy trang, những di tích đã trở thành minh chứng sống động về ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của những chiến sĩ biệt động đã nằm lại qua các cuộc chiến tranh. Trải dài từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đến các quận lân cận, tất cả đều mang trong mình câu chuyện về lòng yêu nước, dũng cảm, cùng những chiến công thầm lặng nhưng vô cùng vẻ vang.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định: Nơi lưu giữ ký ức vàng son

Những hiện vật liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn được trưng bày tại bảo tàng Biệt động Sài Gòn.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tọa lạc tại 145 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, là một trong những điểm tham quan tiêu biểu, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá liên quan đến cuộc đấu tranh của lực lượng biệt động. Đi vào bảo tàng qua chiếc thang máy cổ kính, du khách như bước vào một chuyến hành trình về quá khứ đầy cảm xúc, từ những ngày tháng gian khổ cho đến những chiến công vang dội của các chiến sĩ biệt động.

Những hiện vật liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn được trưng bày tại bảo tàng Biệt động Sài Gòn.
Với kiến trúc đặc trưng trước năm 1975, bảo tàng là nơi trưng bày hàng nghìn hiện vật gồm vũ khí, tài liệu, hình ảnh, chân dung của các chiến sĩ anh hùng. Các tầng của bảo tàng được bố trí theo từng chủ đề, mỗi khu vực đều chứa đựng câu chuyện riêng, từ các chiến dịch nổi bật như đánh bom khách sạn Caravelle, đặt mìn cầu Công Lý, hay chiến dịch Mậu Thân 1968. Trong đó, tầng trên cùng là sân thượng, nơi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Đặc biệt, phòng trưng bày các hiện vật gắn liền với các trận đánh lớn như trận chiến tại Dinh Độc Lập hay các căn nhà chứa vũ khí bí mật đã khiến du khách cảm nhận rõ hơn về tinh thần chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ biệt động.

Những hiện vật liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn được trưng bày tại bảo tàng Biệt động Sài Gòn.
Bảo tàng còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho giới trẻ, các đoàn học sinh, sinh viên thường xuyên ghé thăm để hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của đất nước. Ngoài ra, khuôn viên của bảo tàng còn có các tác phẩm điêu khắc, tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống cách mạng.
Hầm chứa vũ khí và hầm trú ém quân của Biệt động Sài Gòn
Căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1988 - nơi lưu giữ hàng tấn vũ khí, đạn dược phục vụ các trận đánh lớn, đặc biệt trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Chính tại đây, các chiến sĩ biệt động đã tập kết, chuẩn bị vũ khí, thiết kế các bộc phá rồi xuất phát nhanh chóng, quyết đoán. Những chiếc nắp hầm bí mật nằm âm dưới nền nhà cùng các hệ thống phòng thủ tinh vi đều phản ánh khả năng thích nghi, sáng tạo của lực lượng biệt động trong thời chiến tranh ác liệt.
Chưa kể, căn nhà hầm chứa vũ khí của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Ông đã mua căn nhà này từ năm 1966, sử dụng vỏ bọc nhà thầu khoán để dễ dàng di chuyển, làm nơi cất giấu vũ khí, tài liệu bí mật. Ngay dưới bàn salon, một chiếc nắp hầm kín đáo giúp ông và các chiến sĩ khác có thể trốn thoát khi có động. Bên cạnh đó, hệ thống hầm nổi, hầm chìm trong các căn nhà này còn là những công trình đặc biệt thể hiện trí tuệ, lòng dũng cảm của lực lượng biệt động.
Hầm chứa vũ khí còn là nơi cung cấp phương tiện chiến đấu trong các trận lớn như trận đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân, mở ra cơ hội chiến thắng quyết định trong chiến tranh. Đồng thời, các loại vũ khí như súng ngắn, lựu đạn, thuốc nổ TNT, C4 đều được cất giữ cẩn thận trong các căn hầm, sẵn sàng hoạt động khi cần thiết.
Ngôi nhà cổ - nơi lưu giữ ký ức chiến tranh
Ngôi nhà cổ bằng gỗ tại số 113A, đường Đặng Dung, Quận 1 là một minh chứng chân thực cho chiến tranh du kích. Với kiến trúc cổ kính, các vật dụng còn nguyên vẹn, căn nhà đã trở thành nơi chứa đựng ký ức của các chiến sĩ biệt động. Ngôi nhà này còn có đường hầm thoát hiểm phía sau tủ áo, bên trong là các phương tiện, nhu yếu phẩm giúp các chiến sĩ có thể dựa vào để sinh tồn bí mật trong suốt nhiều năm chiến đấu dưới lòng địch.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn tại đường Trần Quang Khải, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, quán cà phê Đỗ Phủ, quán cơm tấm Đại Hàn nằm ngay sát đó còn là các địa điểm che mắt địch, đồng thời là nơi trao đổi thông tin, tuyển chọn lực lượng, tổ chức các hoạt động bí mật. Nhờ vào các địa điểm này, các chiến sĩ biệt động luôn hoạt động an toàn, hiệu quả trong suốt thời gian chiến tranh ác liệt.
Trong các di tích này, hệ thống các hầm, các kho chứa vũ khí, các thiết bị liên lạc đặc biệt đều mang tính kỹ thuật cao, phản ánh sự sáng tạo không ngừng của lực lượng biệt động để đối phó với kẻ thù. Những hình ảnh này còn giúp thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn về một thời kỳ cam go, thử thách mà lòng yêu nước luôn luôn tỏa sáng.