Vang mãi hào khí Điện Biên
Ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bước phát triển mới trong cuộc đấu tranh của Nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong niềm vui chung ấy, quân và dân Hưng Yên tự hào khi đã tích cực đóng góp sức người, sức của vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Dũng, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) ôn lại kỷ niệm những ngày tham gia chiến đấu cùng người thân
Đã 71 năm từ khi rời chiến trường Điện Biên Phủ nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng vẫn như còn ấm nóng trong tâm trí cựu chiến binh Vũ Quốc Sử, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang). Năm 1950 khi vừa 18 tuổi, ông Sử xung phong tham gia bộ đội chủ lực. Ông được điều về Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Nhắc đến những ngày chiến đấu tại Điện Biên Phủ, ông kể: Trong chiến dịch lịch sử này, bộ đội ta phải đảm nhiệm nhiều công việc, vừa trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu vừa phải đào hầm, hào, vận chuyển vũ khí đạn dược, kéo pháo... trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gian khổ. Khi đó, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 206 nằm ở phía Bắc sân bay Mường Thanh, là một trong những cứ điểm quan trọng của địch. Anh em đồng đội động viên nhau cố hết sức phá sào huyệt của địch. Dưới sự chỉ huy bình tĩnh, mưu trí của cấp trên, các chiến sĩ vừa anh dũng đánh trả nhiều đợt tấn công, tận dụng địa thế, người trước xông pha, người sau yểm trợ. Anh em tỏa ra các hướng chiến đấu, kiên quyết bám trụ, đánh địch đến cùng. Cuộc tấn công cứ điểm 206 thắng lợi vẻ vang, tôi may mắn chỉ bị thương nhẹ nhưng phải chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống. Cảm xúc đau thương nhưng cũng biết mấy tự hào. Sau thắng lợi trận đánh ở cứ điểm 206, ông Sử cùng đơn vị tiếp tục chiếm đánh các mục tiêu khác cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn.
Ở tuổi 100, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) đôi lúc có quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng cảm xúc về một thời chiến đấu oanh liệt thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.
Ông Dũng tham gia kháng chiến từ năm 1946 khi mới 20 tuổi, trải qua nhiều trận đánh ở khắp các chiến trường Tây Bắc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 66, Đại đoàn 304 của ông được giao nhiệm vụ chiến đấu trên địa bàn hai tỉnh Khăm Muộn và Xavannakhet thuộc miền Trung nước Lào, đồng thời bí mật tập kết để sẵn sàng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa hậu phương, tiếp tế khó khăn, lương thực, đạn dược, quần áo, thuốc men đều thiếu thốn nhưng với ý chí và quyết tâm cao, đơn vị của ông Dũng đã chiến đấu trên 40 trận, có nhiều trận thắng giòn giã như ở Pà Cuội, Hìu Xìu, Mường Phìn...; tiêu diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị, giải phóng nhiều vùng đất đai ở miền Trung Lào, Hạ Lào, góp phần chia cắt, phân tán lực lượng không để quân địch chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Dù không được tận mắt chứng kiến giây phút toàn thắng ở Điện Biên Phủ nhưng ông Dũng may mắn được đứng trong đội quân về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954. Đặc biệt, ông Dũng vinh dự 2 lần là chỉ huy khối bộ đội chủ lực tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 1/1/1955 chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và lễ duyệt binh ngày 1/5/1973 chào mừng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Trong cuộc chiến chống thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, Nhân dân Hưng Yên đã nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bom đạn của địch, huy động sức người, sức của cho mặt trận, sẵn sàng hy sinh, tham gia chiến đấu tiêu diệt quân thù. Góp công lớn vào chiến thắng lịch sử này, trên địa bàn tỉnh, quân và dân Hưng Yên đã đánh địch 324 trận lớn nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu 5.204 tên địch; phá hủy 18 đoàn tàu hỏa quân sự; 139 xe các loại; thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh; chủ động phối hợp với chiến trường chính tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng, giam chân lực lượng cơ động lớn không cho địch tập trung ứng cứu Điện Biên Phủ; cung cấp nhiều nhân lực, tài lực, vật lực cho chiến trường…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bắt đầu từ năm 1958, theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ, hàng nghìn người con Hưng Yên đã rời quê lên Điện Biên với quyết tâm hồi sinh mảnh đất từng là chiến trường khốc liệt.
Bà Trịnh Thị Xa, quê ở thôn Tử Đông, xã Tân Minh (Yên Mỹ) cho biết: Tôi theo chồng là ông Mai Hồng Đáng, lính pháo binh thuộc Đại đoàn 316 tham gia đánh địch ở sân bay Hồng Cúm lên kiến thiết và xây dựng tỉnh Điện Biên từ cuối những năm 1960. Khi đó, trong ấn tượng của tôi, mảnh đất Điện Biên Phủ còn ngổn ngang bom đạn, hầm hào, dây thép gai… Chúng tôi khai hoang đất làm nông trường phải đi từng bước theo sát chân bộ đội công binh rà phá bom, mìn. Từ bãi chiến trường ngổn ngang hầm hào, thép gai với chi chít các loại mìn, nhờ công sức, mồ hôi và cả máu, nước mắt của những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, người dân trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có người Hưng Yên đã giúp Điện Biên hôm nay "thay da đổi thịt", trở thành vùng kinh tế mới ngày càng phát triển. Những thành quả đó cũng là việc làm thiết thực để tri ân, ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trong cả nước nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng, tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc và truyền thống vẻ vang, kiên cường, bất khuất, yêu nước, cách mạng của quê hương.