Sức mạnh 'mềm' trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 là một dấu son chói lọi, vang dội không chỉ trong sử Việt mà còn chấn động địa cầu.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An trao nhà tình nghĩa, tri ân cán bộ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Với chiến dịch kéo dài 56 ngày đêm, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp, buộc kẻ thù ngạo mạn phải đầu hàng. Tuy nhiên, hơn cả một thắng lợi quân sự, chiến thắng ấy là kết tinh của sức mạnh "mềm" của dân tộc: Lòng yêu nước cháy bỏng, trí tuệ sáng tạo và tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Những giá trị ấy không chỉ tạo nên kỳ tích năm xưa mà còn mang giá trị trường tồn, soi rọi và truyền cảm hứng cho sự nghiệp dựng xây đất nước hôm nay.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt. Sau nhiều năm bị sa lầy trên chiến trường Việt Nam, thực dân Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với mục tiêu “nghiền nát” lực lượng chủ lực của ta và buộc ta phải đàm phán trong thế yếu.
Tuy nhiên, với quyết tâm “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ huy bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã huy động hàng vạn dân công hỏa tuyến, bộ đội và hàng ngàn tấn lương thực, đạn dược vượt rừng, vượt núi để tiến vào Điện Biên Phủ.

Tái hiện hình ảnh vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Kết quả là, sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt (13/3 – 07/5/1954), ta tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 quân địch, phá tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Geneve, chấm dứt chiến tranh xâm lược tại Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là hiện thân sống động của lòng yêu nước được nâng lên thành hành động thiết thực, quên mình vì Tổ quốc. Từ nơi hậu phương, biết bao người mẹ tiễn con ra trận, những cụ già, em nhỏ gùi gạo, tải đạn, góp công, góp sức cho chiến dịch. Cả dân tộc như sống trong một mệnh lệnh chung: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”
Tình yêu nước của nhân dân ta thời ấy thật giản dị mà thiêng liêng. Những chiến sĩ cảm tử xung phong ôm bom ba càng đánh xe tăng, hay chấp nhận nằm trong hầm chỉ huy suốt nhiều ngày giữa bom đạn. Họ chọn hy sinh vì tình yêu Tổ quốc là bất diệt.
Lòng yêu nước chính là dòng chảy xuyên suốt lịch sử. Và tại Điện Biên Phủ, nó hội tụ thành một cơn lũ cuốn trôi mọi toan tính của kẻ thù xâm lược. Không có tình yêu nước, không thể có sức chịu đựng phi thường, không thể có tinh thần vượt núi, băng rừng, gùi hàng trăm kilôgam lương thực vượt hàng trăm cây số chỉ bằng đôi chân trần.
Một trong những yếu tố làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chính là trí tuệ Việt Nam – sự sáng tạo, linh hoạt và bản lĩnh trong chiến lược quân sự. Ngay từ đầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định lịch sử. Thay vì “đánh nhanh thắng nhanh” theo kế hoạch ban đầu, ông chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định thể hiện tư duy sắc bén, đặt sự sống còn của chiến sĩ và sự bền vững của chiến dịch lên hàng đầu. Chính điều đó đã làm thay đổi cục diện, giúp quân ta làm chủ thế trận từng bước, giành chiến thắng toàn diện.
Trí tuệ Việt Nam còn thể hiện ở khả năng vận dụng sáng tạo địa hình rừng núi Tây Bắc, biến khó khăn thành lợi thế. Bộ đội ta đào hàng trăm kilômét hào bao vây địch, triển khai pháo từ sườn đồi cao bắn trực tiếp vào lòng chảo Điện Biên. Những khẩu pháo tưởng chừng không thể vận chuyển lại được kéo lên núi bằng tay, bằng vai, bằng dây tời thô sơ – một kỳ tích không thể có nếu không có trí tuệ và ý chí phi thường.

Khối nữ du kích miền Nam đại diện cho quân dân miền Nam hướng về chiến dịch Điện Biên Phủ tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy, trí tuệ dân tộc là vũ khí sắc bén hơn cả bom đạn, khi được phát huy đúng lúc, đúng chỗ, có thể xoay chuyển cả cục diện chiến tranh.
Tinh thần đoàn kết toàn dân là "chất keo" kết dính tất cả các yếu tố thành công của Điện Biên Phủ. Đó là đoàn kết quân – dân, đoàn kết giữa các dân tộc anh em, đoàn kết giữa chiến trường và hậu phương và đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cả nước như một cơ thể sống gắn kết chặt chẽ. Khi chiến dịch bắt đầu, các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc dốc toàn lực chi viện: từ lúa gạo, thuốc men, vải vóc đến sức người. Dân công hỏa tuyến ngày đêm băng rừng, vượt suối, mở đường cho chiến dịch. Những đoàn xe đạp thồ “chở cả hậu phương ra tiền tuyến” là biểu tượng sống động cho tinh thần đại đoàn kết.
Trong chiến trường, các đơn vị phối hợp nhịp nhàng: Pháo binh, công binh, bộ binh,… như các nhạc cụ trong một bản hòa âm chiến thắng. Đặc biệt, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm tựa tư tưởng, giúp toàn quân, toàn dân vững tin đi tới cùng.
Chính nhờ sức mạnh đại đoàn kết ấy, ta đã biến một quốc gia nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu thành một lực lượng hùng mạnh, khiến một đế quốc từng xưng bá thế giới phải đầu hàng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học sâu sắc mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị – đặc biệt là trong việc phát huy sức mạnh mềm của dân tộc. Trong thời bình, lòng yêu nước là hành động cụ thể trong học tập, lao động, cống hiến, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay cần thể hiện lòng yêu nước bằng tinh thần vượt khó, sáng tạo, không đầu hàng trước thách thức trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức, khởi nghiệp quốc gia. Trí tuệ dân tộc chính là nguồn lực vô giá để Việt Nam vươn ra thế giới.
Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức: Biến đổi khí hậu, bất ổn toàn cầu, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn,… thì bài học về đoàn kết càng trở nên quý giá. Cần tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, cùng nhau vì mục tiêu chung: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
71 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến dịch Điện Biên Phủ đi vào lịch sử nhưng những bài học từ lòng yêu nước, trí tuệ và tinh thần đoàn kết vẫn nguyên vẹn tính thời sự. Đó là sức mạnh "mềm" không phô trương mà sâu sắc, không hào nhoáng mà bền bỉ. Nó là ngọn lửa âm ỉ nhưng luôn rực cháy, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc Việt Nam trên hành trình mới – hành trình dựng xây đất nước phồn vinh, hội nhập nhưng không hòa tan, khẳng định vị thế một quốc gia độc lập, tự cường và đầy tự hào./.