Vận nước đến, phải khẩn trương 'Bình dân AI vụ', tháo gỡ điểm nghẽn thể chế KHCN để thúc đẩy phát triển, không thể bỏ lỡ!
Nhấn mạnh thời điểm này khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để mà phát triển, không thể bỏ lỡ, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đề xuất Nhà nước khẩn trương 'Bình dân AI vụ', tháo gỡ điểm nghẽn thể chế KHCN để thúc đẩy phát triển.
![Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT: Tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục - Ảnh VGP/Nhật Bắc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_146_51439656/6a947c6c4822a17cf833.jpg)
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT: Tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để phát triển, không thể bỏ lỡ
Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân bày tỏ: Vào thời điểm này cả nước hào hứng, có niềm hy vọng to lớn là Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ là một quốc gia hùng mạnh, phồn thịnh, đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến nhất trên thế giới.
Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh: Chính thời điểm này khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để mà phát triển, không thể bỏ lỡ.
Trong bối cảnh đó, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) viết một báo cáo gọi là 2-3-4-5 tức là: 2 mục tiêu lớn, 3 điểm tắc nghẽn, 4 mũi giáp công và 5 hành động chính.
Tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ
Ông Bình tập trung vào 2 ý: Thứ nhất, ông Bình đề nghị phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ.
"Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì khi nghiên cứu, tôi thấy mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ vẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên và khi tất cả thế giới trên một đường chung thì Việt Nam đứng thẳng, tức là với mức GDP của chúng ta thì tiềm năng khoa học tăng gấp đôi.
Hiện nay thu nhập bình quân đầu người theo sức mua thì Việt Nam cỡ của Angola. Thử hỏi khoa học Việt Nam và Angola cỡ gì? Nếu mà nhân gấp đôi lên theo đồ thị về tiềm năng khoa học công nghệ thì chúng ta bằng Latvia, Litva.
Trước những cơ hội đó, ông Trương Gia Bình đề nghị, thứ nhất, chúng ta đã nói thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn của KHCN mới là quan trọng nhất cần phải tập trung tháo gỡ.
Khẩn trương "bình dân AI vụ"
Thứ hai, ông Trương Gia Bình đề nghị "bình dân AI vụ".
Theo ông, ngày trước, vào những năm khó khăn nhất, những năm kháng chiến khi chính quyền còn yếu, còn nghèo, Bác Hồ đặt vấn đề "bình dân học vụ".
Bây giờ là cơ hội đến, đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được.
Nhấn mạnh là cơ hội đang đến, ông Trương Gia Bình đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục.
Ông Bình nhấn mạnh: "FPT là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, chúng tôi đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…"