Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật 'Đảng trong mùa Xuân đại thắng'

Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tối 28-4, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Bộ Công an tổ chức Chương trình nghệ thuật 'Đảng trong mùa Xuân đại thắng'.

Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân tham dự chương trình.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham dự Chương trình nghệ thuật “Đảng trong mùa Xuân đại thắng”.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham dự Chương trình nghệ thuật “Đảng trong mùa Xuân đại thắng”.

Gần một thế kỷ qua, trải qua những thăng trầm, bi tráng, Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò là ngọn cờ lãnh đạo, soi sáng, chỉ đường để dân tộc đoàn kết tiến lên, làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu và từng bước đưa đất nước Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày hôm nay, cùng bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông qua ngôn ngữ âm nhạc, chương trình được dàn dựng theo 2 chương: Chương I - “Mãi niềm tin theo Đảng” và chương II - “Mùa xuân đại thắng”, tái hiện Đại thắng mùa Xuân 1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi ấy là minh chứng hùng hồn cho đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh và là biểu tượng chói sáng của sức mạnh chiến tranh nhân dân, của ý chí kiên cường, trí tuệ và lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân 1975 được kết tinh từ khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của một dân tộc anh hùng.

Ngay phút mở màn, chương trình đã mang đến không khí hân hoan chào mừng 50 năm non sông thu về một mối với loạt ca khúc đi cùng năm tháng, được chuyển soạn bởi nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, do nhiều giọng ca nổi tiếng thể hiện. Sau ca khúc “Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi” (sáng tác: nhạc sĩ Huy Du; biểu diễn: Viết Danh, Bảo Yến).

Các tiết mục ở chương I mang đến không khí hân hoan đón chào mùa Xuân đại thắng.

Các tiết mục ở chương I mang đến không khí hân hoan đón chào mùa Xuân đại thắng.

Khán giả có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, ngợi ca Đảng, Bác Hồ: “Dâng Người tiếng hát mùa xuân” (sáng tác: nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương; biểu diễn: Đào Tố Loan); “Đảng là cuộc sống của tôi” (sáng tác: nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn; biểu diễn: Viết Danh); “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (sáng tác: nhạc sĩ Trần Kiết Tường; biểu diễn: NSƯT Đăng Dương); “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” (sáng tác: Phạm Tuyên; biểu diễn: NSND Quang Thọ).

Trong chương II - “Mùa xuân đại thắng”, chương trình đưa người xem ngược trở về quá khứ. Giai điệu da diết của “Câu hò bên bờ Hiền Lương” - một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, qua phần thể hiện của NSND Thu Hiền, khiến người xem nhớ lại những tháng ngày đất nước còn chia cắt.

Cùng với đó là ký ức về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lớp lớp thanh niên, chiến sĩ và đồng bào từ hậu phương miền Bắc đã tham gia chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong số đó, có nhiều chiến sĩ đồng thời cũng là những nhạc sĩ, nghệ sĩ đã anh dũng vượt qua các tuyến lửa. Họ mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, nhưng cũng hết sức giản dị, để phác họa lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, những tấm gương anh dũng hy sinh, những cô gái thanh niên xung phong sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì độc lập dân tộc.

Các tiết mục của chương II đưa đến những cảm xúc lắng đọng, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Các tiết mục của chương II đưa đến những cảm xúc lắng đọng, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Từ những trải nghiệm chân thật giữa khói lửa đạn bom khốc liệt trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, những cảm xúc đọng lại đã được chuyển tải bằng âm nhạc và trở thành những bài ca có sức sống vượt không gian, thời gian, đi cùng năm tháng, như: “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt; liên khúc “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát - Chiếc gậy Trường Sơn - Chào em cô gái Lam Hồng” (sáng tác: Huy Du, Phạm Tuyên, Ánh Dương); “Lá đỏ” (sáng tác: Hoàng Hiệp, thơ: Nguyễn Đình Thi); “Tiếng đàn Ta lư” (sáng tác: Huy Thục); “Cô gái vót chông” (sáng tác: Hoàng Hiệp); “Màu hoa đỏ” (sáng tác: nhạc sĩ Thuận Yến; thơ: Nguyễn Đức Mậu)…

Với tâm huyết và sự đầu tư nghiêm túc, chương trình được xây dựng như một bản hùng ca nghệ thuật. Sự kết hợp giữa các thế hệ nghệ sĩ đã mang đến một không gian âm nhạc đa sắc màu, vừa hùng tráng, tự hào, vừa sâu lắng, trữ tình, vừa thể hiện sự nối tiếp giữa quá khứ hào hùng và hiện tại năng động, đầy nhiệt huyết, vừa bày tỏ sức sống mãnh liệt và sự tiếp nối của âm nhạc cách mạng trong lòng công chúng hôm nay.

Chương trình cũng là dịp để khán giả được cùng nhau nhìn lại những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và những thành quả tự hào của lực lượng Công an nhân dân.

Tin, ảnh: HÀ ANH - LƯƠNG THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tong-bi-thu-to-lam-du-chuong-trinh-nghe-thuat-dang-trong-mua-xuan-dai-thang-826260
Zalo