Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số hòa quyện vào dòng chảy VHNT Việt Nam

Ngày 10/11, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số - thống nhất trong đa dạng' với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, nhà thơ, nhà văn trong cả nước.

Theo Ban tổ chức Hội thảo, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện có hơn 1.000 hội viên, 40 tổ chức cơ sở Hội và chi hội tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đã có những bước trưởng thành mạnh mẽ; văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam luôn hòa quyện vào dòng chảy đa sắc tộc của văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trong các ngành nghệ thuật, văn học và mỹ thuật có sự phát triển nhanh cả về đội ngũ, chất lượng, đặc biệt là văn xuôi, với lực lượng sáng tác ngày càng đông đảo. Thơ của các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp đáng kể vào nền thơ ca cả nước và mang đậm bản sắc riêng.

Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc phát biểu tham luận tại Hội thảo

Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc phát biểu tham luận tại Hội thảo

Đề tài sáng đa dạng, phong phú; nhất là ngày càng nhiều tác giả người dân tộc thiểu số có ý thức và quan tâm nhiều hơn đến việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và sáng tác song ngữ. Song song đó, hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, Khmer Nam Bộ, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông... và của nhiều dân tộc khác đã được biên soạn công phu và có giá trị cao, ra mắt bạn đọc. Đã có nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế đã được trao cho các tác giả người dân tộc thiểu số.

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc quan tâm, chăm lo, phát triển đội ngũ nhà văn người dân tộc thiểu số là cần thiết để văn học Việt Nam tiếp tục phát triển phong phú và đa dạng. Nền văn học đa ngôn ngữ, chứa đựng đa giọng điệu và đa biểu đạt, hướng đến mục tiêu vì đất nước, vì dân tộc, tôn vinh những giá trị truyền thống chân - thiện - mỹ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát biểu tam luận tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát biểu tam luận tại hội thảo

Trong đó, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số và phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh Hội viên bằng nhiều hình thức như hỗ trợ sáng tạo, trao giải thưởng, cử theo các lớp tập huấn, trại sáng tác đối với lực lượng trẻ, vinh danh những văn nghệ sĩ cao tuổi đã có nhiều cống hiến,... góp phần vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng; tạo lực lượng trẻ làm nền tảng phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Xây dựng và triển khai các chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa thông qua công nghệ số, giáo dục và các chương trình cộng đồng là những giải pháp thiết yếu để gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của các dân tộc thiểu số…

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat-cac-dan-toc-thieu-so-hoa-quyen-vao-dong-chay-vhnt-viet-nam-post1134505.vov
Zalo