Đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững

Hà Văn Di Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kết quả thực hiện công tác dân tộc (CTDT) và chính sách dân tộc (CSDT) đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, làm thay đổi cơ bản bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN).

Hà Văn Di

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kết quả thực hiện công tác dân tộc (CTDT) và chính sách dân tộc (CSDT) đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, làm thay đổi cơ bản bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN).

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và văn hóa quân dân tại xóm Ngái, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và văn hóa quân dân tại xóm Ngái, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong.

Hiện nay, tình hình kinh tế, đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, an sinh xã hội bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, học tập, sản xuất phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS&MN với các khu vực khác. Cụ thể, tỷ lệ giảm nghèo các xã vùng ĐBDTTS&MN giảm bình quân mỗi năm 3,36%; tỷ lệ giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giảm bình quân mỗi năm 6,40%; 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62% (trong đó có 14 xã ĐBKK và 7 xã khó khăn), kế hoạch năm 2024 tiếp tục có 6 xã ĐBKK đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 16,2 tiêu chí/xã. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Để đạt được những kết quả tích cực trong CTDT, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã thống nhất quan điểm, nhận thức và tầm quan trọng của CTDT và thực hiện CSDT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; coi CTDT và thực hiện CSDT là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là việc làm thường xuyên trong thực hiện CTDT và CSDT. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình đời sống, KT-XH; nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh phức tạp trong đồng bào, không để xảy ra những "điểm nóng” ngay tại cơ sở. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện CTDT và CSDT; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cácchương trình, dự án, CSDT, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng DTTS.

Phát huy kết quả đạt được, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đồng bào các DTTS tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm góp phần cùng đồng bào cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024 đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đồng bào các DTTS tỉnh đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với một số nhiệm vụ sau:

Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đoàn kết đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.

Nhận thức sâu sắc rằng, đại đoàn kết (ĐĐK) các dân tộc là truyền thống, nét đẹp văn hóa, là động lực chủ yếu, nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho sự thắng lợi và phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước; khẳng định đồng bào các DTTS là một bộ phận không thể tách rời của khối ĐĐK toàn dân tộc.

Quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực, chủ động, sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh, hội nhập cùng phát triển với đất nước; không trông chờ, ỷ lại; khơi dậy truyền thống đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, làm giàu chính đáng; chung sức, đồng lòng cùng với cả nước phấn đấu xây dựng tỉnh Hòa Bình, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.

Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ DTTS ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng DTTS, xây dựng khối ĐĐK dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tích cực tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Chủ động giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết và phát triển; kiên quyết không để xảy ra các "điểm nóng", "điểm phức tạp" về an ninh trật tự. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, nhân quyền để gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối ĐĐK toàn dân tộc.

Đồng bào các dân tộc đoàn kết, quyết tâm cao, tin tưởng cùng hệ thống chính trị của tỉnh phấn đấu giai đoạn 2024 - 2029 đạt được các mục tiêu chủ yếu sau: Thu nhập bình quân của người DTTS vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh bằng 1/2 bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS bình quân theo chuẩn nghèo giai đoạn 2026 - 2030 mỗi năm giảm 2,5 - 3%; đối với các xã ĐBKK bình quân mỗi năm giảm từ 4 - 4,5%. Cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn trong vùng ĐBDTTS&MN; xóa tình trạng nhà ở đơn sơ, nhà thiếu kiên cố; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Trên 90% hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; trên 90% xã, thôn, bản vùng ĐBDTTS&MN có đủ cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và đời sống của người dân. Bố trí 100% hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở có nơi ở ổn định, an toàn.

Với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình quyết tâm đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững để thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/195458/dong-bao-cac-dan-toc-tinh-hoa-binh-doan-ket,-doi-moi-sang-tao,-hoi-nhap-va-phat-trien-ben-vung.htm
Zalo