Văn hóa là cốt lõi xây dựng thành phố Huế trực thuộc trung ương

Nếu trở thành thành phố trực thuộc trung ương thì phát triển văn hóa là nền tảng, là động lực của phát triển kinh tế.

Ngày 23-11, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận di sản tư liệu "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng của Hoàng cung Huế" với sự tham dự của Phó Thủ tướng Lê Thành Long.

Có nhiều di sản văn hóa

Đây là một bước tiến quan trọng, ghi nhận những nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Với sự kiện này, Thừa Thiên - Huế trở thành địa phương độc nhất của Việt Nam hiện còn lưu giữ 8 di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, trong đó có 6 di sản cung đình và 2 di sản dân gian chung với nhiều địa phương khác.

Tái hiện lễ thượng triều trong lễ đón nhận UNESCO công nhận di sản tư liệu "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng của Hoàng cung Huế"

Tái hiện lễ thượng triều trong lễ đón nhận UNESCO công nhận di sản tư liệu "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng của Hoàng cung Huế"

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, trong lịch sử Việt Nam, Huế từng là trung tâm văn hóa - chính trị của xứ Đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn; là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất (1802 -1945). Với tư cách là kinh đô, Huế là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam.

"Thừa Thiên - Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam đã minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất cố đô" – ông Phương nói thêm.

Huế được xem là vùng giàu bản sắc văn hóa.

Huế được xem là vùng giàu bản sắc văn hóa.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.

Thừa Thiên - Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu về văn hóa. Trải qua chặng đường hình thành và phát triển hơn 700 năm qua, Thừa Thiên - Huế luôn tự hào là vùng đất còn gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách có hiệu quả; từ hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú đa dạng, các công trình kiến trúc độc đáo, hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, hàng chục làng nghề truyền thống, cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng đến các giá trị văn học, nghệ thuật, ẩm thực, ngôn ngữ, âm nhạc, áo dài, phong cách ứng xử, nếp sống, phong tục tập quán của người dân…

"Tôi tin rằng thành phố Huế khi được là thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có những chuyển mình tích cực hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và đặc biệt là giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cố đô có một không hai này" - đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

"Con người Huế hội tụ đầy đủ các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam cùng với một số đặc điểm riêng được hình thành từ nền nếp, gia phong, văn hóa truyền thống, tập quán, thói quen của người dân xứ Huế qua các thời kỳ lịch sử, gắn với những giá trị hun đúc trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế" - ông Hải nhìn nhận.

Chính vì những điểm khác biệt về tính cách con người Huế theo dòng chảy của lịch sử, từ đó đã hình thành nên những nét đặc trưng, bản sắc phong phú đa dạng kết tinh từ những các giá trị văn hóa phi vật thể thể hiện qua lối sống sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ nghi, nếp sống, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật kinh kỳ...

Đó chính là nguồn tài sản vô giá, có giá trị rất lớn bên cạnh các giá trị di sản vật thể, là cơ sở, tiềm năng lợi thế để khai thác, phát huy và tạo động lực cho quá trình xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà cả khu vực.

Văn hóa là động lực phát triển kinh tế

Dự kiến vào ngày 30-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Trước đó, trong những ngày qua, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận đề án này.

Lễ hội đường phố tại kỳ Festival Huế 2024.

Lễ hội đường phố tại kỳ Festival Huế 2024.

Theo đề án mà Chính phủ trình với Quốc hội tại kỳ họp lần này thì đề án được đánh giá đã khẳng định Thừa Thiên - Huế là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt; là một trong những đô thị quan trọng của Việt Nam có bề dày lịch sử văn hóa, phản ánh quá trình phát triển của đất nước. Các di sản về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc đặc trưng của Huế mang tầm vóc lớn, đại diện cho một giai đoạn phát triển của dân tộc, có tính đặc trưng riêng so với các địa phương khác của cả nước cũng như các quốc gia khác.

Đô thị Huế thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, cùng với nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực cung đình, dân gian, truyền thống được khôi phục và phát huy giá trị. Nhờ vậy, Huế còn được biết đến với các danh hiệu đã được công nhận là "Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố văn hóa ASEAN", "Thành phố bền vững môi trường ASEAN", "Thành phố du lịch sạch ASEAN", "Thành phố Xanh quốc gia".

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, nếu đề án này được Quốc hội thông qua thì đây là thành phố trực thuộc trung ương theo hướng di sản đầu tiên của Việt Nam. Và sẽ có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, về văn hóa - xã hội, khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh là động lực để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á và thế giới về văn hóa, du lịch lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tạo điều kiện cho Thừa Thiên - Huế khai thác hết tiềm năng, thế mạnh cho phát triển bền vững. Đồng thời bảo vệ, giữ gìn được quần thể di tích di sản có quy mô lớn nhất, mang tính toàn vẹn, điển hình nhất của đất nước, góp phần giữ gìn, củng cố bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập toàn cầu và nâng cao giá trị, sức thu hút của ''điểm đến đặc sắc Việt Nam'' trên bản đồ thế giới.

Thực hiện được tốt hơn quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, trong đó phát triển văn hóa là nền tảng, là động lực của phát triển kinh tế; mở đường cho việc thu hút các nguồn lực để bảo tồn và phát huy tối đa giá trị vô giá của di sản cố đô Huế và tạo sức mạnh động viên to lớn cho toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong chặng đường phát triển tiếp theo.

Quang Nhật

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-hoa-la-cot-loi-xay-dung-thanh-pho-hue-truc-thuoc-trung-uong-196241125161729063.htm
Zalo