Văn hóa đọc trong thời đại số
Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, sách là kho tàng tri thức vô giá. Đọc sách không đơn thuần chỉ tiếp thu kiến thức mà còn giúp mỗi người khám phá thế giới, tìm hiểu về cuộc sống, con người và văn hóa. Qua những trang sách, chúng ta được sống trong những câu chuyện cảm động, gặp gỡ những nhân vật lịch sử, khám phá những vùng đất xa xôi,…
Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số bùng nổ, việc dành thời gian cho những trang sách trở nên ít hấp dẫn hơn. Từ đó, văn hóa đọc hiện nay là “bài toán” thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội.
Nhiều người cho rằng, đọc sách thời nay là lạc hậu vì ở thời đại thông tin phát triển như vũ bão, việc lên mạng đọc nhanh và dễ hơn. Từ đó, họ không mặn mà với sách giấy. Thay vì đọc một cuốn sách dài, nhiều người chọn cách tiếp cận thông tin qua các bài viết ngắn, video tóm tắt hoặc các bài đăng trên mạng xã hội. Sự tiện lợi này tuy giúp tiết kiệm thời gian nhưng lại khiến việc tiếp thu kiến thức trở nên hời hợt và thiếu chiều sâu.
Thời xưa, người ta thường nói đến “sách gối đầu giường” nhưng thời nay, “gối đầu giường” của đại đa số bạn trẻ lại là smartphone. Trong thời đại mới, cách đọc sách, truyện không còn theo truyền thống như trước nữa. Thay vì lật giở từng trang sách, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các trang web hoặc phần mềm để nghe sách, nghe truyện.
Có thể nói, việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online là một xu thế tất yếu. Sách điện tử sẽ là hình thức phổ biến của sách trong tương lai. Điều đó đòi hỏi những người viết sách cũng cần phải đổi mới về phong cách viết, hình thức truyền tải để phù hợp với xu thế hiện nay. Cùng với đó, những nhà quản lý trang mạng cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý hơn trong việc rà soát nội dung để sách điện tử đến với bạn đọc một cách gần gũi và ý nghĩa nhất.
Để thúc đẩy văn hóa đọc trở thành giá trị bền vững cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cha mẹ cần làm gương trong việc đọc sách, tạo điều kiện cho con tiếp cận với sách từ sớm. Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường có sách, có người đọc sách, chắc chắn sẽ hình thành thói quen tốt này một cách tự nhiên.
Ngoài ra, nhà trường cần khơi gợi niềm đam mê đọc sách, có thể giới thiệu những cuốn sách hay, diễn thuyết về một cuốn sách kèm theo những phần quà nhỏ trong các tiết học,… Đó là động lực thôi thúc trẻ thích sách, khám phá sách. Trẻ nhỏ đọc sách sẽ kéo theo gia đình đọc sách và cả một thế hệ đọc sách bền vững trong tương lai.
Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng “xã hội học tập”, “học tập suốt đời” trong xã hội hiện đại gắn với văn hóa đọc của từng cá nhân, gia đình. Việc xây dựng cũng như phát triển văn hóa đọc trở thành một nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Khi trang sách mở ra, thế giới cũng rộng hơn!/.